Phát triển minh bạch, bền vững thị trường vốn sẽ giúp nâng xếp hạng tín nhiệm

VTV Digital-Thứ năm, ngày 28/04/2022 13:33 GMT+7

VTV.vn - Phát triển minh bạch, bền vững thị trường vốn sẽ là yếu tố giúp Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế.

Nhận định trên được nhiều chuyên gia quốc tế đưa ra tại Hội thảo Điều hướng kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 do Fitch Ratings vừa tổ chức. Thị trường vốn bao gồm cả trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh.

Đại diện từ nhiều tổ chức quốc tế nhận định thông điệp về phát triển an toàn, minh bạch, bền vững thị trường vốn được Chính phủ đưa ra gần đây là bước đi lớn chưa từng thấy trong 20 năm qua. Họ cho rằng Chính phủ đang chú ý sát sao vào thị trường vốn và kỳ vọng đến tầm tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ được quy định sát sao hơn để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia.

Ông Stephen Mckeever - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh cho hay: "Tôi tin đây không phải là việc đóng cửa hoàn toàn hay tạo ra những tác động tiêu cực kìm hãm sự phát triển của thị trường trái phiếu. Mà ngược lại, những hướng dẫn và quy định chặt chẽ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ bảo vệ được các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam, khi phần lớn trong số họ chưa có đủ kiến thức, chưa hiểu rõ những gì mình đang mua. Nhìn rộng ra điều này sẽ tạo ra nhiều kênh huy động vốn hiệu quả và bền vững hơn".

Phát triển minh bạch, bền vững thị trường vốn sẽ giúp nâng xếp hạng tín nhiệm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

Với tốc độ tăng trưởng khoảng 37% trong năm ngoái, trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tốt, có mức độ minh bạch thông tin cao.

"Các công ty được xếp hạng có đòn bẩy tài chính thấp và do đó có một số dư địa để đầu tư vào nền kinh tế tăng trưởng cao hiện nay, nhưng các công ty sẽ cần phải chọn lọc trong tăng trưởng của mình và theo dõi các chỉ số bên ngoài về suy giảm kinh tế để tránh sử dụng đòn bẩy quá mức…”, ông Hasira De Silva - Giám đốc cấp cao khối công nghiệp và người tiêu dùng Nam và Đông Nam Á của Fitch Ratings nói.

Theo số liệu từ SSI Securities Corporation, Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các ngân hàng ở vai trò là người mua trái phiếu, từ mức 50% trong năm 2020 xuống còn 25% vào năm 2021. Đây là một tín hiệu tốt về sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức ngoài ngân hàng.

Bà Tania Gold - Giám đốc cấp cao khối các ngân hàng Nam và Đông Nam Á của Fitch Ratings cho biết: "Các công ty phát hành cũng nên chú ý tìm kiếm cả nguồn vốn từ thị trường nước ngoài vì nhu cầu đầu tư và đa dạng hoá danh mục của các quỹ đầu tư nước ngoài cũng rất lớn".

Trước những thông điệp mạnh mẽ gần đây của cơ quan quản lý về thị trường vốn, Fitch ratings cũng tiến hành khảo sát về khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. 54% người tham gia đồng ý rằng điều này sẽ diễn ra vào năm 2024 hoặc sau đó - một kết quả được chuyên gia đánh giá là khá tích cực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước