Tiếp quản Thủ đô vào năm 1954, cơ sở vật chất của ngành điện Việt Nam chỉ có 5 nhà máy, tổng công suất không vượt quá 31,5 MW. Đến nay, sau 65 năm phát triển và trưởng thành, tổng công suất nguồn điện lên tới gần 55.000 MW, tăng khoảng 1.700 lần. Quy mô đứng thứ 2 ở Đông Nam Á.
Từ những cơ sở vật chất, kỹ thuật tiếp quản lại từ chế độ cũ, sau 65 năm phát triển, ngành điện với sự trưởng thành to lớn đã gây dựng được một hệ thống điện năng đồ sộ. Từ chỗ điện chỉ đủ cung cấp cho các đô thị lớn, đến nay, đã cung cấp cho 99,37% số hộ dân của cả nước, đảm bảo đủ điện cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ngành điện đứng trước nhiều thách thức khi các nguồn điện truyền thống dần cạn kiệt. Phát triển năng lượng tái tạo trở thành xu thế cho tương lai. Tính đến giữa năm nay, trên 5.000 MW điện gió và điện mặt trời, chiếm gần 10% tổng công suất nguồn đã được đưa vào sử dụng.
Để phát triển đồng bộ với các nhà máy điện quy mô lớn, đường dây 500 kV mạch 3 đang được đẩy nhanh tiến độ về đích khi đường dây 500 kV mạch 1 và 2 đã quá tải.
Từ chỗ lưới điện rách nát cách đây 65 năm, hiện nay mức tổn thất điện năng của Việt Nam chỉ còn 6,7%, nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đã đứng thứ 27/190 quốc gia/nền kinh tế, vượt qua một số quốc gia thuộc nhóm OECD. Đặc biệt, 100% các dịch vụ điện đã được thực hiện ở cấp độ 4 - mức cao nhất trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ.
Tính tới cuối năm 2019, tổng công suất nguồn điện đã lên tới gần 55.000 MW. Nhưng dự kiến nhu cầu này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2025 và sẽ tăng lên 130.000 MW đến năm 2030. Đây là thách thức rất lớn về phát triển các nguồn điện đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!