Lộ trình cơ cấu phát triển thị trường chứng khoán
Chuyển toàn bộ cổ phiếu sang giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) trong thời gian tới là nội dung đã được quy định tại Thông tư số 57/2021/TT-BTC. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2023 sửa đổi bổ sung với nhiều điểm mới về việc cơ cấu quản lý sản phẩm lại cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Theo quy định mới toàn bộ 329 mã cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ được chuyển sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025.
Từ giữa năm 2025, cụ thể là 1/7/2025, HNX sẽ không tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu mới của tổ chức nữa. Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2026, toàn bộ 859 mã cổ phiếu trên UPCoM sẽ được chuyển cho HOSE.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì trong vòng 3 năm tới, HOSE sẽ đón thêm cổ phiếu từ sàn HNX và UPcom chuyển sang. HOSE sẽ tập trung vào các sản phẩm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, còn HNX tập trung vào thị trường trái phiếu và phái sinh.
Thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ hướng tới sự phát triển bền vững. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Ông Tsuyoshi Imai - Chủ tịch Công ty TNHH Chứng khoán Nhật Bản cho biết: "Hiện nay, nếu nhà đầu tư muốn đặt lệnh ở Việt Nam thì phải chọn 1 trong 2 sàn là TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, tuy nhiên cơ chế của 2 sàn lại khác nhau nên sẽ gây khó hiểu cho nhà đầu tư. Ví dụ như ở Nhật Bản, trước đây việc đặt lệnh cổ phiếu có thể được thực hiện ở 1, 2 hoặc nhiều sàn hơn, tuy nhiên hiện nay đã quy lại về Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo. Với hệ thống thanh toán hiện nay, đây là cách tốt nhất để giảm thiểu chi phí vận hành cũng như là tối ưu hóa các lệnh giao dịch. Đây là việc làm càng sớm càng tốt".
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC cho hay: "Về việc hiệu quả hoạt động thì một sàn như vậy hiệu quả cả về mặt quản lý lẫn hiệu quả cả về chi phí với các công ty chứng khoán, thay vì phải kết nối với hai Sở thì chúng ta chỉ phải kết nối với một Sở. Đối với nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào thấy là chúng ta có một Sở Giao dịch thôi, Sở Giao dịch đấy có khối lượng, có giá trị giao dịch lớn hơn. Đấy là một cái hiệu ứng về mặt hình ảnh".
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin: "Việc sắp xếp lại các khu vực thị trường cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay, nhằm mục tiêu chính là tối ưu hóa hoạt động của thị trường chứng khoán, giảm thiểu các chi phí cho các bên, đặc biệt là các thành viên tham gia thị trường và chi phí cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán".
Cũng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khi các Sở Giao dịch được tập trung vào các sản phẩm chuyên biệt của mình sẽ giúp nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm đầu tư hơn. Đơn cử ngay đầu năm sau, HNX sẽ có thêm sản phẩm phái sinh mới - hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số VN100.
Nhiều cổ phiếu được kỳ vọng đã tạo đáy lợi nhuận trong năm 2023
Với những hành lang pháp lý kể trên hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ đi vào hoạt động một cách tập trung, ổn định và hiệu quả hơn đúng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện P/E thị trường hay ta hiểu là định giá đã cán mốc 23,5 lần - cao hơn định giá khi VN-Index ở vùng đỉnh lịch sử. Tuy nhiên con số này được cho là sự phản ánh quá khứ và tương đối ngắn hạn, còn đầu tư cơ bản là ta sẽ phải nhìn vào kỳ vọng tương lai đó là nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết 2024.
Theo một số phân tích khác, khi lợi nhuận trên mỗi cổ phần của các doanh nghiệp được dự báo phục hồi tương đối mạnh mẽ trong năm sau, định giá thị trường sẽ về vùng rất hấp dẫn.
Nhiều cổ phiếu được kỳ vọng đã tạo đáy lợi nhuận trong năm 2023. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
Duy trì được hiệu suất trung bình 13%/năm so với mức tăng trung bình 5% của VN-Index trong 9 năm qua, theo một quỹ đầu tư, với triết lý cơ bản và dài hạn, cố đoán điểm số VN-Index X không phải là phương pháp hiệu quả. Bởi định giá thị trường rẻ mà mua nhầm cổ phiếu vẫn thua, định giá thị trường cao mà mua đúng cổ phiếu vẫn có thể thắng.
Ông Phạm Lê Duy Nhân - Trưởng phòng Quản lý danh mục Đầu tư VCBF nói: "Chúng ta nhìn vào PE sẽ không phản ánh được độ hấp dẫn hiện tại, ta nên nhìn PB hơn. Theo chúng tôi thống kê P/B bây giờ 1,6 lần và chỉ xuất hiện 4 lần trong 15 năm vừa qua. Chúng tôi là nhà đầu tư dài hạn và kiên định đầu tư doanh nghiệp cơ bản chất lượng cao".
Quỹ trên hiện cũng đang giải ngân tại nhiều nhóm cổ phiếu đang không được phần đông ưa thích do kết quả kinh doanh ảm đạm như ngân hàng và tiêu dùng bán lẻ với kỳ vọng đây là những nhóm đã tạo đáy lợi nhuận và chuẩn bị bước vào giai đoạn phục hồi.
Trong môi trường lãi suất huy động thấp kỷ lục hiện nay, lãi suất đầu ra cũng sẽ có nhiều dư địa "hạ nhiệt" để hỗ trợ doanh nghiệp và mở ra triển vọng đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Tài chính, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho hay: "Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ về hạ lãi suất, giảm thuế cũng giúp hoạt động doanh nghiệp ổn định trở lại, thu nhập người tiêu dùng bắt đầu tốt hơn, từ đó doanh thu của công ty có sự tăng trưởng trở lại".
Theo ước tính của chứng khoán Yuanta Việt Nam, ước tính nửa triệu tỷ đồng tiết kiệm đang đáo hạn trong nửa cuối năm. Quan sát cho thấy CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) đang tăng lên cho thấy khẩu vị với tiền gửi có kỳ hạn giảm xuống. Và khi dòng tiền CASA tăng lên ở các nghĩa là nhà đầu tư đang muốn lonh hoạt chuyển đổi giữa tài sản tiết kiệm và đầu tư.
Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn luôn khó đoán định vì chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý. Việc VN-Index giảm điểm hôm 22/11 trong phiên ATC cũng không ai có thể đoán trước, tuy nhiên khi nhìn xa ra về triển vọng thị trường trong thời gian tới gắn với tăng trưởng kinh tế Việt Nam có sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Chính phủ thì giới chuyên môn cho rằng đây có lẽ sẽ là một mốc rất thấp trong những gì thị trường chứng khoán đang hướng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!