Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Siết chỗ này phải nới chỗ khác

Tạp chí Kinh tế-Thứ bảy, ngày 18/07/2020 12:16 GMT+7

VTV.vn - Nếu thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng vẫn còn lằng nhằng thì doanh nghiệp không khác gì vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trong huy động vốn.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến tháng 6/2020, được nhìn nhận là tín hiệu mừng về sự phát triển của một kênh huy động vốn trung và dài hạn, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển quá "nóng" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhà đầu tư cá nhân ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp

Là một kênh huy động vốn chuyên nghiệp nhưng thời gian qua đã có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường này. Sức mua giai đoạn 5 tháng đầu năm 2020 chiếm tới 23%, gấp 3 lần năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư không tìm hiểu doanh nghiệp, chỉ thấy lãi suất cao là mua. Còn doanh nghiệp lại thấy phát hành dễ dàng, huy động vốn nhanh nên đua nhau phát hành.

Toàn bộ 159 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay đều là phát hành riêng lẻ, không doanh nghiệp nào lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng.

Các doanh nghiệp chọn phát hành riêng lẻ vì đáp ứng điều kiện dễ hơn. Nếu phát hành ra công chúng, hoạt động kinh doanh năm liền trước năm đăng ký của doanh nghiệp chào bán bắt buộc phải có lãi. Trong khi đó, phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần có lãi trong năm liền trước. Với 1 điều kiện "dễ thở" như vậy, 2 năm trở lại đây chứng kiến sự phát triển bùng nổ của kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Doanh nghiệp đua nhau phát hành, còn người mua thì đua nhau đầu tư

"Khi chị đã mua trái phiếu bên em rồi, đến ngày đến hạn bọn em sẽ phải mua lại của chị. Lúc đấy tiền chị sẽ nhận cả gốc cả lãi, còn bên em nhận về trái phiếu...", một nhân viên môi giới nói.

Với cam kết chắc nịch, một hợp đồng mua lại trái phiếu được ký cùng lúc khi nhà đầu tư bỏ vốn mua, vì vậy trái phiếu doanh nghiệp được nhiều môi giới quảng cáo không khác gì gửi tiết kiệm, thậm chí còn tiện lợi hơn.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Siết chỗ này phải nới chỗ khác - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cảnh báo việc “chạy đua” phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh minh họa.

Nhân viên môi giới nói thêm: "Ví dụ anh, chị gửi tiết kiệm ở ngân hàng, mình không rút được trước hạn hoặc rút thì lãi suất 0%, nhưng ở đây bọn em cho khách hàng rút linh hoạt, rút từng phần, hoạt rút toàn bộ có lãi suất. Có cam kết mua lại rồi, nên chị cũng không cần phải quan tâm tới doanh nghiệp phát hành".

Với mức lãi suất cao hơn từ 1 - 3%/năm so với gửi tiết kiệm, nhiều nhà đầu tư không ngần ngại rút tiền mua trái phiếu. Dù thực tế, người mua không hề biết doanh nghiệp mình đang bỏ tiền vào ở đâu, làm ngành nghề gì.

Bộ Tài chính cảnh báo, dù có cam kết mua lại của ngân hàng hay công ty chứng khoán cũng vẫn có rủi ro vì các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính hoặc chính bản thân họ cũng không đủ khả năng tài chính.

Cuộc chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước khi Nghị định 81 có hiệu lực

Với gần 10 đợt phát hành thành công từ năm 2014, phát hành trái phiếu riêng lẻ đã là công cụ huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp trong một thời gian dài qua. Tuy nhiên, với Nghị định 81 chuẩn bị có hiệu lực, năm nay doanh nghiệp sẽ chỉ còn một đợt huy động và những tính toán tài chính từ năm sau cũng sẽ phải chặt chẽ hơn.

Cảm nhận được "sức nóng" của Nghị định mới, dường như thị trường đã xuất hiện một cuộc chạy đua với chính sách. Nếu 5 tháng đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 91.616 tỷ đồng, đến nửa năm con số đã gần gấp đôi. Bởi doanh nghiệp biết là siết lại phát hành trái phiếu riêng lẻ là họ phải tiến tới phát hành ra công chúng.

Quy định hạn chế 2 đợt phát hành cách nhau tối thiểu 6 tháng là cú hích để chuyển riêng lẻ sang ra công chúng nhưng nó cũng tạo rào cản cho doanh nghiệp huy động vốn để phát triển dự án do thời gian huy động vốn không phù hợp với thời gian cần vốn nó trải dàn đều trong năm.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Siết chỗ này nhưng phải nới chỗ khác

Siết chặt thị trường trái phiếu riêng lẻ là cơ hội để thị trường trái phiếu công chúng được phát triển tốt hơn, để thị trường trái phiếu nói chung cân bằng và lành mạnh hơn. Thế nhưng, nhìn ngược lại, khi trái phiếu riêng lẻ đã bị siết chặt, thì có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về tinh gọn thủ tục, hay quy mô phát hành hay không?

Trao đổi với một số doanh nghiệp tư vấn và phân phối trái phiếu, được biết để chuẩn bị họ cũng đã phải "động viên" những doanh nghiệp đủ điều kiện tiến tới phát hành ra công chúng nhiều hơn, thay vì chỉ riêng lẻ như trước. Tuy nhiên đại bộ phận khách hàng vẫn còn e dè do vấn đề thủ tục: Phát hành ra công chúng mất 3 - 4 tháng để xin giấy phép, còn riêng lẻ chỉ cần 1,5 - 2 tháng.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Siết chỗ này phải nới chỗ khác - Ảnh 2.

Nếu thủ tục phát hành ra công chúng vẫn còn lằng nhằng thì doanh nghiệp không khác gì vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Ảnh minh họa.

Với tác động từ Nghị định 81, ước tính quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nửa cuối năm có thể sẽ giảm tới 50% so với cùng kỳ. Một số thành viên thị trường có chia sẻ, phát hành trái phiếu riêng lẻ bị siết lại, mà thủ tục phát hành ra công chúng vẫn còn lằng nhằng thì doanh nghiệp không khác gì vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" trong huy động vốn.

Thực tế là cả nửa năm nay Việt Nam không có một đợt phát hành nào ra thị trường quốc tế. Nút thắt vẫn nằm ở hàng lang pháp lý, đặc biệt là vai trò của một tổ chức định mức tín nhiệm.

Rõ ràng quy mô của trái phiếu Việt Nam hiện vẫn còn non trẻ, mới chỉ chiếm 12,8% GDP. So ra con số này vẫn còn quá khiêm tốn với mức bình quân gần 22% của ASEAN +3, tức gồm khu vực Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vậy nên có siết chỗ này thì vẫn cần phải nới chỗ khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước