Ảnh minh họa.
Năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt giá trị 3,81 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc chiếm trên 70%. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, việc xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ trở nên khó khăn hơn do Chính phủ 2 nước đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm tiểu ngạch.
Doanh nghiệp Việt sẽ phải chuẩn bị như thế nào để vượt qua những rào cản kỹ thuật để có thể xuất khẩu vào thị trường tỷ dân? Đây là nội dung chính của Hội thảo Phát triển xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Có mặt tại buổi hội thảo, một chuyên gia thị trường Trung Quốc nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt không quản lý tốt về nguồn gốc xuất xứ cho nông sản sẽ mất nhiều thời gian khi kiểm dịch Hải quan của Trung Quốc, dẫn đến hàng hoá bị ứ đọng, hoa quả bị giảm chất lượng.
Ông Shi Xin Biao - Chuyên gia thị trường Trung Quốc nói: "Công nghệ bảo quản của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chúng tôi yêu cầu bao bì có thông tin truy xuất chất lượng, nguồn gốc, ghi bằng Tiếng Anh và Tiếng Trung, phải có mã vạch và tem chống hàng giả để tiện theo dõi".
Bên cạnh việc quản lý khắt khe về chất lượng nông sản nhập khẩu, Trung Quốc vẫn có những chính sách tạo điều kiện cho nông sản của Việt Nam. Hiện tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có 7 cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu hoa quả của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc nào nhập khẩu 3 loại hoa quả là thanh long, nhãn, măng cụt sẽ được vay vốn ưu đãi. Đại diện Bộ NN-PTNT có mặt tại buổi hội thảo cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý tìm hiểu mùa vụ tại Trung Quốc để trồng các loại rau quả phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!