Phó Thủ tướng: Làm rõ tình trạng ép khách mua bảo hiểm của ngân hàng

Thùy Linh-Thứ tư, ngày 26/04/2023 08:31 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: VGP.

VTV.vn - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thời gian qua. 

Phó Thủ tướng đã đánh giá thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua phát triển mạnh mẽ, số lượng người tham gia bảo hiểm ngày càng tăng. Giai đoạn 2018 - 2022, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng ở mức khá cao, trung bình khoảng 21%/năm.

Sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ đã góp phần thực hiện an sinh xã hội, huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh vừa qua, phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng nhân viên ngân hàng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm; doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng, thiếu minh bạch, dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng tham gia bảo hiểm; chất lượng dịch vụ sau bán hàng chưa tốt.

Bên cạnh đó, trên thị trường có nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được cung cấp, trong đó có một số sản phẩm rất phức tạp như bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư. 

Để phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về các bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.

"Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Các ngân hàng cần khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc triển khai đúng quy định. Ngân hàng cũng thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về hợp đồng bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm. Giám sát hoạt động tư vấn của đại lý, bảo đảm minh bạch thông tin với khách hàng.

Cùng với đó, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp, triệt để khắc phục những bất cập trong triển khai bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc triển khai đúng quy định, thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về hợp đồng bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn, hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Bộ Tài chính cũng đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh của người dân về các sản phẩm bảo hiểm.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, hiện cả thị trường có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức; trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn.

Trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số. Sự tăng trưởng nóng của kênh bancassuarance thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Trong năm 2022 đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm 14 hành vi. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ…

Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ước đạt trên 13,68 triệu hợp đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với cuối năm 2022, số lượng hợp đồng có sự suy giảm đáng kể gần 250.000 hợp đồng. Tổng doanh thu 3 tháng đầu năm ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước