Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công - Ảnh VGP/Trần Mạnh.
Sáng 27/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 8 bộ ngành trung ương và 4 địa phương khu vực ĐBSCL.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ ngành và 4 địa phương Thuộc Tổ công tác số 2 là 24.723 tỷ đồng (8 bộ ngành, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 2 gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương gồm: Thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu).
Đến nay các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã cơ bản hoàn thành phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án, chỉ còn một số đơn vị chưa phân bổ chi tiết.
Về tình hình giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tổng số giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến hết tháng 7/2022 của 12 đơn vị là 7.393,2 tỷ đồng, đạt 29,9%, vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (34,47%).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh VGP/Trần Mạnh.
Đối với 4 địa phương Tây Nam Bộ, tổng số vốn NSNN đã giải ngân tính đến 30/6 là 5.225,353 tỷ đồng, đạt 23,5%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 21,3%; nguồn vốn ODA giải ngân đạt 6,1%, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 27,6%. Ước giải ngân 7 tháng của 4 địa phương đến 30/7 khoảng 6.968,94 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 34,47%.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, 12 cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng để giải ngân theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vẫn chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công; trong quá trình triển khai thực hiện cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Đồng thời, phải tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong quá trình giải ngân. Đối với các dự án không thể giải ngân hết thì đề xuất điều chuyển vốn.
Các dự án nằm trong danh mục năm 2022, nếu chậm giải ngân, xác định không thể giải ngân hết, phải kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn, nếu không có dự án để điều chuyển, phải báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển vốn cho các bộ, ngành, địa phương khác, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. Dựa vào tình hình thực tế, các bộ, cơ quan, địa phương có thể thành lập tổ công tác để nắm bắt tình hình, chỉ đạo sát sao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!