Các nhà giao dịch làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AP)
Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khá trầm lắng trong phiên giao dịch cuối tuần này và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay vẫn chưa ngã ngũ, song đà tăng mạnh từ đầu tuần đã giúp Phố Wall khép lại tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng 4/2020.
Trái với xu hướng đi xuống cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 2/11) khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa diễn ra. Nhiều nhà phân tích cho rằng đà tăng của phiên giao dịch đầu tuần này là do giới đầu tư săn lùng cổ phiếu giá hời sau đợt giảm giá hồi tháng 10/2020 chứ không phải do hoạt động trước bầu cử. Chuyên gia phân tích Gregori Volokhine của Meeschaert Financial Services cho biết, nhiều nhà đầu tư không muốn đặt cược lớn trong năm nay trước sự bất ngờ có thể diễn ra như cuộc bỏ phiếu năm 2016.
Khi cuộc tranh cử chính thức diễn ra, Phố Wall đi lên ba phiên liên tiếp liền sau đó. Một số người cho rằng cuộc bầu cử tại Mỹ đã làm lu mờ những số liệu kinh tế kém khả quan của nước này. Các báo cáo công bố ngày 4/11 cho thấy hoạt động tuyển dụng của khu vực tư nhân và hoạt động của lĩnh vực dịch vụ suy yếu hơn trong tháng Mười vừa qua.
Chuyên gia Patrick O'Hare thuộc trung tâm Briefing.com nhận định kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khó đoán định, nhưng nếu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai thì thị trường sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn quan ngại rằng nếu kết quả bầu cử gây ra sự bất đồng sẽ có thể gây ra tình trạng bất ổn thị trường.
Giữa lúc "cuộc đua" gay cấn vào Nhà Trắng vẫn chưa đến hồi kết và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh tại Mỹ, thị trường tập trung vào cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan này đã không đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể trong thông báo sau khi kết thúc cuộc họp trong hai ngày 4-5/11, ngoài việc nhắc lại cam kết duy trì lãi suất ở mức 0% trong tương lai gần. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho thấy sự sẵn sàng trong việc tìm các công cụ mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế, sau khi đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính trong năm nay và hạ lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 0,2%, xuống 28.323,4 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm nhẹ 0,1%, xuống 3.509,44 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite "nhích" nhẹ 0,1%, lên 11.895,23 điểm.
Năng lượng và tài chính là hai lĩnh vực rớt giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500, với mức giảm lần lượt là 2,1% và 0,8%. Trong khi đó, cổ phiếu của UnitedHealth với mức giảm gần 2% đã ảnh hưởng đến Dow Jones.
"Cuộc đua" gay cấn vào Nhà Trắng vẫn chưa đến hồi kết. Ảnh: Getty Image
Bất chấp những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Phố Wall vẫn ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Cả S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 7,3% và 9% trong tuần qua, trong khi Dow Jones tăng 6,9%. Ngoài ra, S&P 500 còn ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong tuần bầu cử kể từ năm 1932.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hiện dẫn trước đương kim Tổng thống Donald Trump về số phiếu đại cử tri và giành ưu thế ở các bang chiến trường như Georgia và Pennsylvania. Việc kiểm phiếu vẫn đang tiếp diễn, trong khi ông Trump và các đồng minh của mình tiếp tục đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử, thu hút sự chỉ trích từ một số thành viên đảng Cộng hòa.
Báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày 6/11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm mạnh từ mức 7,7% trong tháng Chín xuống còn 6,9% trong tháng 10, nhưng đà phục hồi của thị trường lao động đã chậm lại khi các gói hỗ trợ tài khóa suy yếu và số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt. Sau khi báo cáo việc làm tháng 10 được công bố, Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho rằng các số liệu kinh tế cho thấy Quốc hội nên ban hành một gói kích thích nhỏ hơn chủ yếu tập trung vào tác động của đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!