Phố Wall lo sợ hỗn loạn vào ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Thanh Hiệp (Nguồn: Investing, Bloomberg, Reuters, Finance Yahoo)-Thứ hai, ngày 02/11/2020 06:01 GMT+7

VTV.vn - Phố Wall đang dồn mọi sự chú ý vào ngày 3/11 - thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Nhiều sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã được các ngân hàng và nhà đầu tư thực hiện.

Cuộc bầu cử khó đoán định sẽ tác động đến thị trường

Cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới không chỉ quyết định xem ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kì 4 năm tới mà còn nhiều hơn thế. Từ góc độ thị trường, nó cũng có thể giúp định hình những triển vọng về thuế, luật pháp, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, và kích thích tài khóa trong vòng từ hai đến bốn năm tới. Tất cả những điều này đều có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán Phố Wall.

Theo trang mạng Investing, cuộc bầu cử năm nay thậm chí có thể tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường lớn hơn bình thường do những sự chậm trễ liên quan đến COVID-19 trong quá trình kiểm phiếu. Sự không chắc chắn này là điều mà thị trường ghét nhất. Nếu các nhà đầu tư thức dậy vào ngày 4 tháng 11 và không có người chiến thắng rõ ràng, điều mà các chuyên gia dự báo là hoàn toàn có thể xảy ra, những ngày và tuần tiếp theo có thể đặc biệt khó khăn đối với Phố Wall.

Quay trở lại hồi năm 2000, khi cuộc chiến giữa hai ứng viên Al Gore và George W. Bush phải mất hơn 4 tuần sau ngày bỏ phiếu mới có được kết quả cuối cùng, chỉ số S&P 500 đã giảm 5% giá trị. Không ai biết chính xác mọi thứ có thể diễn ra như thế nào trong năm nay, nhưng nhìn chung, các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc đua vào Nhà Trắng càng đến gần, càng có nhiều khả năng không thể có kết quả rõ ràng ngay lập tức. Hồi cuối tháng 10, các cuộc thăm dò cho biết cuộc đua có vẻ như có lợi cho đảng Dân chủ, nhưng từ những gì đã xảy ra 4 năm trước, có thể thấy rằng, các cuộc thăm dò không phải lúc nào cũng đúng.

Giáo sư W.Joseph Campbell của Đại học Mỹ cho rằng sẽ rất khó để đưa ra dự báo về kết quả cuộc bầu cử bởi bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là một cuộc đua khó đoán, tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Trên thực tế, các kết quả thăm dò dư luận đôi khi không thực sự chính xác và phản ánh đúng hình hình. Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ hiện tại đang nghiêng về ứng cử viên Biden, song mọi sự đảo chiều vẫn có thể xảy ra.

Các ngân hàng chuẩn bị cho khối lượng giao dịch tăng đột biến

Công ty tư vấn công nghệ ITRS Group dự báo, trong bối cảnh khó lường như vậy, khối lượng giao dịch có khả năng tăng đột biến gấp 8 lần mức bình thường trong ngày bầu cử 3/11. Dự báo này, cộng với việc lực lượng nhân sự đang làm việc từ xa do tác động của đại dịch COVID-19, buộc các ngân hàng hàng đầu phải tăng cường thử nghiệm các công nghệ mới, để có thể đảm bảo ứng phó được với những biến động của thị trường.

Các công ty tài chính chia sẻ với nhân viên và khách hàng của mình rằng, năm nay, mọi thứ sẽ diễn ra rất khác so với các kỳ bầu cử trước đó. Ông Itay Tuchman – giám đốc kinh doanh ngoại hối toàn cầu tại Citigroup cho biết "Chúng tôi đã nói chuyện với khách hàng về khả năng có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Và giai đoạn biến động có thể kéo dài hơn nữa, bởi tác động từ việc bỏ phiếu qua đường bưu điện và sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ứng viên".

Các sàn giao dịch cho biết, đã thấy nhiều nhà đầu tư sử dụng các công cụ phòng vệ rủi ro (hedging) để bảo vệ danh mục đầu tư trước những biến động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm nay. Các ngân hàng cũng ngày càng chú ý đến khả năng phục hồi hoạt động sau khi các cơ quan quản lý hàng đầu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh cho biết, đang tập trung vào việc đảm bảo rằng, các công ty tài chính có thể thích ứng và nhanh chóng phục hồi sau bất kỳ sự gián đoạn nào.

Phố Wall lo sợ hỗn loạn vào ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Ảnh 1.

Các ngân hàng lớn như Citigroup chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày bầu cử 3/11 (Nguồn: CNBC)

"Mọi người đã triển khai nhiều cơ sở hạ tầng hơn, và vấn đề giờ đây là: Năng lực của chúng ta đã đạt đến mức nào, độ trễ của chúng ta là bao nhiêu?" - ông Guy Warren – giám đốc điều hành của ITRS cho biết. "Hầu hết mọi người đều không thể biết chỗ nào không ổn, cho tới khi sự cố xảy ra".

Phần lớn các ngân hàng đều không có kế hoạch đưa dù chỉ một nửa số nhân viên của mình trở lại văn phòng trong ngày bầu cử. Một số tên tuổi như Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã phải tạm dừng kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng ở London sau khi chính phủ Anh đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19.

Tại Citigroup, bà Deirdre Dunn – trưởng bộ phận tỷ giá giao dịch toàn cầu cho biết, các hệ thống của doanh nghiệp này đã chứng minh rằng, họ có thể xử lý thêm một lượng lớn đơn đặt hàng hồi tháng 3 – thời điểm thị trường tăng đột biến. Đó cũng là khoảng thời gian mà Citigroup buộc phải cho nhân viên làm việc từ xa do sự lây lan của dịch bệnh. Bà Dunn cho rằng, sự ổn định của hệ thống này sau đó cho thấy, Citigroup đã sẵn sàng cho ngày bầu cử sắp tới. "Nếu so sánh với năm 2016, khi đó, rất nhiều người đã phải làm việc ở văn phòng cả đêm. Giờ thì ít nhất chúng tôi đã có thể làm việc đó tại nhà, thay vì ở lại văn phòng lúc 3 giờ sáng".

Giới đầu tư cố gắng chốt lợi nhuận trước thềm bầu cử

Tuần qua, chứng khoán Phố Wall đã chứng kiến đợt bán tháo hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba. Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 6,5%, chỉ số S&P 500 giảm 5,6% còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 5,5%. Theo các chuyên gia, kết quả khó đoán của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đã gây sức ép lên tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường Phố Wall, ít nhất là trong tuần này, khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và diễn biến của dịch COVID-19 rõ ràng hơn.

Phố Wall lo sợ hỗn loạn vào ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Ảnh 2.

Phố Wall ghi nhận tuần giao dịch tệ nhất kể từ tháng Ba ngay trước thềm bầu cử (Nguồn: CNN)

Bà Kim Forrest, giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners ở Pittsburgh, nhận định đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán được thúc đẩy, khi nhà đầu tư thực sự lo ngại về cuộc bầu cử vào tuần tới. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành trên khắp toàn cầu mà Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bối cảnh này khiến cho cuộc đua vào Nhà Trắng càng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

Trang Investing nhận định, trước ngày 3/11, nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài lề nhiều hơn, cố gắng kiếm một số lợi nhuận sau đợt tăng giá dài của chứng khoán Mỹ. Dấu hiệu này đã xuất hiện trong những tuần cuối cùng của tháng Mười, khi một số cổ phiếu thành công nhất trong năm 2020 bao gồm các công ty công nghệ thông tin và xây dựng có dấu hiệu sụt giảm, do làn sóng bán ra của các nhà đầu tư.

Chiến lược "Không làm gì cả"

Thậm chí, Financial Times còn cho biết, một số nhà đầu tư đang thực hiện chiến lược nghe có vẻ kỳ lạ để chờ đợi kết quả bầu cử, đó là Không làm gì cả.

Các cuộc thăm dò trên báo chí đang chỉ ra chiến thắng rõ ràng cho đảng Dân chủ vào ngày 3/11, có khả năng trên quy mô đủ lớn để nắm giữ chức tổng thống và cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ - kết quả có thể tạo ra những thay đổi trong các lĩnh vực như năng lượng và chăm sóc sức khỏe, cũng như các thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chưa quên rằng, họ đã thất bại trong việc dự đoán chiến thắng của ông Donald Trump vào năm 2016, điều đã gây ra những biến động mạnh trên thị trường ngay trong đêm diễn ra bầu cử, cũng như xu hướng tăng giá dài hạn của thị trường chứng khoán sau khi chính quyền của ông tiến hành cắt giảm thuế doanh nghiệp. Những bất ngờ khác bao gồm sự gia tăng và sau đó là sụt giảm lịch sử của đồng bảng Anh vào đêm trưng cầu dân ý về Brexit đầu năm 2016, đã khiến một số nhà đầu tư chỉ muốn ngồi yên chờ kết quả.

Phố Wall lo sợ hỗn loạn vào ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Ảnh 3.

Nhiều nhà đầu tư quyết định "ngồi yên chờ đợi" những biến động của cuộc bầu cử (Nguồn: CNN)

"Chúng tôi quản lý tài sản, không phải là kẻ cướp hay con bạc. Chúng tôi không muốn thực hiện giao dịch ngắn hạn mang tính đầu cơ. Điều đó nghe có vẻ không can đảm lắm, nhưng không đưa ra quyết định cũng là đưa ra quyết định" – ông Vincent Mortier, Giám đốc Đầu tư tại Quỹ đầu tư Amundi cho biết. Thay vì chọn người chiến thắng và dự đoán tác động, ông Mortier dự định giữ thái độ trung lập. Ông nói các nhà quản lý danh mục đầu tư hãy sẵn sàng cho một loạt kết quả khác nhau, từ gây tranh cãi cho đến chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ, để quyết định mức giá một số tài sản có vẻ sẽ rẻ hơn trong đợt bán tháo. "Mục tiêu của chúng tôi là không xuất hiện những kịch bản khó lường" - ông Mortier nhấn mạnh.

Cách tiếp cận này không chỉ giới hạn trong số các công ty quản lý tài sản lớn. Một số nhà đầu tư ngắn hạn cũng đang tỏ ra cảnh giác một cách bất thường. Ông Karim Leguel, người đứng đầu bộ phận giải pháp quỹ đầu cơ tại châu Âu của JPMorgan Asset Management chia sẻ "Hầu hết nhà quản lý quỹ đầu cơ không cố gắng đầu tư dựa trên những sự kiện mang tính chất 50-50 như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ". Ông cho biết thêm rằng thay vào đó, các nhà quản lý đang tìm kiếm các giao dịch có khả năng mang lại kết quả tốt, bất kể cuộc bầu cử sẽ kết thúc như thế nào.

Một số nhà quản lý cho biết họ được thuê để mang lại những khoản lợi nhuận ít biến động, do đó, họ không muốn phải giải thích với khách hàng hoặc ông chủ về việc thua lỗ, hoặc lãi như thế nào do kết quả của cuộc bầu cử. "Chúng tôi thực sự không muốn đánh đổi trong cuộc bầu cử bởi điều đó thực sự có quá nhiều rủi ro" - ông Tom Clarke, người điều hành một quỹ vĩ mô tại William Blair ở London, bày tỏ.

Theo ông Nathanael Benzaken, Giám đốc Khách hàng tại Lyxor Asset Management, các nhà quản lý quỹ vĩ mô, những người giao dịch trái phiếu, tiền tệ và cổ phiếu trên toàn cầu, đã đa dạng hóa danh mục đầu tư như một cách giảm thiểu rủi ro trong thời gian chuẩn bị bỏ phiếu tại Mỹ. Trong khi đó, các nhà quản lý cổ phiếu đã cắt giảm quy mô đặt cược tổng thể của họ và giảm bớt việc đặt cược vào cổ phiếu tăng giá. "Rất khó để xây dựng một chiến lược dựa trên kết quả mang tính chất 50-50" - ông nói thêm. Trong khi đó, bà Fiona Frick, Giám đốc Điều hành của Công ty Đầu tư Thụy Sĩ Unigestion, cho biết công ty của bà đã cân bằng rủi ro bằng cách mua quyền chọn bán (quyền bán với giá xác định trước), nhưng cũng mua hợp đồng tương lai trên các tài sản cơ bản, để có thể kiếm tiền nếu thị trường tăng cao hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước