Phương án bán điện 1 giá: Tính toán để hài hòa lợi ích

PV (Tổng hợp)-Thứ ba, ngày 14/07/2020 16:28 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương mới đây cho biết, đang nghiên cứu phương án "1 giá điện" song song với phương thức biểu giá điện bậc thang để người dân lựa chọn.

Triển khai tính điện 1 giá, người dân chắc chắn sẽ dễ dàng hơn trong việc tính toán tiền điện, song câu hỏi đặt ra nhóm khách hàng nào sẽ được hưởng lợi, nhóm nào sẽ chịu thiệt?

Phương án giá điện bán lẻ sinh hoạt 1 mức giá được Bộ Công Thương đưa ra trước những phản ánh của người dân thời gian qua về hóa đơn tiền điện tăng đột biến; từ đó, người tiêu dùng mong muốn có phương án tính tiền điện dễ dàng hơn.

Do đó, Bộ này đang tính toán thêm phương án 1 giá điện để người tiêu dùng lựa chọn. Mức giá của phương án này cũng được cân nhắc, nhưng sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh.

Phương án bán điện 1 giá: Tính toán để hài hòa lợi ích - Ảnh 1.

Cách tính 1 giá sẽ khiến những gia đình dùng ít, trung bình dưới 200 kWh, tiền điện sẽ tăng còn những hộ dùng 400 kWh trở lên, số tiền phải trả hàng tháng lại giảm. Đối tượng dùng dưới 200 kWh thường là các hộ nghèo, thu nhập thấp và lâu nay họ vẫn được Nhà nước "trợ giá".

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, phương án điện 1 giá sẽ giúp người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn nhưng là nằm vào số ít, khoảng 20-30% với sử dụng lượng điện cao trên 400 kWh thì có lợi. Nhưng người tiêu dùng mức thấp chiếm 70-80% sẽ thiệt thòi nếu chọn phương án này do áp dụng đồng giá, dù dùng ít hay dùng nhiều.

Phương án bán điện 1 giá: Tính toán để hài hòa lợi ích - Ảnh 2.

Hiện nay, phương án bán điện 1 giá bên cạnh giá điện bậc thang vẫn đang nằm trong nghiên cứu của Bộ Công Thương.

Nếu cả 2 phương án tính giá điện cùng được triển khai, dễ thấy rằng các hộ tiêu dùng ít sẽ chọn biểu giá bậc thang để hưởng các mức giá thấp, các hộ tiêu dùng điện nhiều sẽ lựa chọn phương án đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang làm tăng hóa đơn tiền điện.

Đặc biệt, nếu điện sinh hoạt chỉ có 1 mức giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng sẽ dễ dàng trong việc triển khai tính tiền điện. Song khi đó, người nghèo và người giàu trả cùng 1 mức giá điện. Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách xã hội, hỗ trợ cho người nghèo của nhà nước không được thực thi khi đại đa số (tới 80%) số hộ sử dụng điện sẽ phải trả cao hơn mức chi trả tiền điện hiện nay.

Phương án bán điện 1 giá: Tính toán để hài hòa lợi ích - Ảnh 3.

Phương án bán điện 1 giá bên cạnh giá điện bậc thang vẫn đang nằm trong nghiên cứu của Bộ Công Thương.

Hiện nay, Bộ Công Thương, EVN cũng đã có tính toán, đưa ra cải tiến biểu giá điện từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Biểu giá này đã được nhiều chuyên gia phân tích, đánh giá là rất tốt. Nó không làm tăng giá bình quân, đảm bảo cho khoảng 98,2% hộ tiêu dùng có mức tiêu dùng dưới 700kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí còn giảm. Hơn nữa, việc cải tiến này cũng đã sát với thực tế sử dụng điện những năm gần đây, ông Thỏa nói thêm.

Tại Singapore, giá bán điện sinh hoạt cho hộ gia đình chỉ có một mức duy nhất là 24,39 cent/kWh nhưng được điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần để phản ánh sự thay đổi chi phí của giá điện. Ở New Zealand, có khoảng 20 đơn vị cung cấp điện. Giá tính theo thoả thuận giữa người sử dụng và công ty cung cấp. Thực tế, sẽ không có biểu giá điện nào thoả mãn tất cả các điều kiện, yêu cầu của khách hàng. Điều mà người dùng thực sự quan tâm là mức định giá hợp lý và sẽ không bất ngờ khi cầm hoá đơn tiền điện trên tay vào mỗi cuối tháng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước