Quản lý chặt định danh trên sàn thương mại điện tử

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 01/12/2024 07:53 GMT+7

VTV.vn - Thực hiện định danh trên sàn thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch và giúp môi trường kinh doanh điện tử thêm an toàn.

Gần 225.000 tỷ đồng, tương đương với 9 tỷ USD là số tiền người Việt mua hàng trên các sàn thương mại điện tử trong 9 tháng năm nay. Như vậy trung bình mỗi tháng gần 1 tỷ USD (khoảng gần 24.000 tỷ đồng tiền Việt). Tuy nhiên, việc định danh các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài hoạt động trên các nền tảng này đang gây khó cho việc thu thuế và chống hành vi lừa đảo.

Doanh nghiệp một tháng sản xuất hơn 30.000 sản phẩm xe đạp, tiêu thụ trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bắt trước kiểu dáng và bán với giá chỉ bằng 1/5 sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong phát triển kinh doanh.

Ông Phí Trọng Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thống nhất cho hay: "Làm sai cấu trúc giá và tạo kinh doanh không lành mạnh; thứ 2 là họ sẽ làm suy yếu thương hiệu của trong nước với việc là sản phẩm không có chất lượng đủ tốt; thứ 3 là họ làm ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống phân phối truyền thống mà hiện nay đang có tại thị trường nội địa".

Theo quy định của pháp luật, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới phải đăng ký khai báo với các cơ quan chức năng khi có 1 trong 3 tiêu chí sau: có tiếng Việt, có tên miền tiếng Việt hoặc có trên 100.000 giao dịch tại Việt Nam trở lên.

Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: "Không thể cấm được việc là người dân, doanh nghiệp có thể vào những trang alibaba.com để đặt hàng, mặc dù là theo như quy định của pháp luật hiện hành là họ không phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương".

Trong khi đó theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử vẫn chưa có quy định về người bán trên sàn phải định danh, mới chỉ có nghị định về thuế có yêu cầu các sàn phải cung cấp thông tin về người bán cho cơ quan thuế. Nên việc kiểm soát trên thương mại điện tử sẽ cần phải có sự kết hợp của nhiều cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: "Các Cục thuế các địa phương phải mang tính chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu tại địa phương từ rất nhiều nguồn, không phải chỉ phụ thuộc một nguồn từ Tổng cục Thuế, các nguồn này sẽ kết nối với nhau".

"Một số sàn thương mại điện tử ở nước ngoài hoạt động xuyên biên giới, bán hàng cho người cư trú tại Việt Nam. Công tác phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại một số sàn thương mại điện tử này còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng chống tội phạm, trong công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật", Thượng tá Phạm Công Hải - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay.

Nhanh chóng thực hiện định danh trên sàn thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch đồng thời giúp môi trường kinh doanh điện tử thêm an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước