Quản lý giá sữa - Trách nhiệm thuộc về ai?

Minh Hường-Thứ ba, ngày 24/09/2013 14:19 GMT+7

Việc các mặt hàng sữa sau khi đổi tên thành sản phẩm dinh dưỡng đã không còn được bình ổn giá, cùng với câu chuyện trách nhiệm giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế - hai đơn vị quản lý nhà nước về mặt hàng sữa đang trở thành vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Y tế là hai đơn vị quản lý Nhà nước về mặt hàng sữa báo cáo gấp về việc sữa đã không còn được bình ổn giá sau khi đổi tên thành sản phẩm dinh dưỡng, hai Bộ cũng đã có công văn giải trình. Tuy nhiên, dường như hai văn bản này không đủ để giải quyết vấn đề quản lý giá sữa khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Trong Danh mục bình ổn giá được quy định trong Luật Giá có hiệu lực từ đầu năm 2013, có hạng mục “Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi”, nghĩa là các sản phẩm sữa cho trẻ em phải đăng ký giá với Bộ Tài chính mỗi lần tăng hay giảm giá…

‘ Danh mục bình ổn giá có danh mục "Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi".

Xét theo 3 quy chuẩn quốc gia liên quan đến sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ đầu tháng 6 vừa qua, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa đều đã thay tên đổi họ thành sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức, hay là thực phẩm bổ sung… Cùng một sản phẩm nhưng có hai tên, từ đó nổ ra cuộc tranh cãi kéo dài xem sản phẩm dinh dưỡng – như tên mới có tiếp tục được bình ổn giá không? Hai bộ quản lý trực tiếp mặt hàng này lại có 2 quan điểm đối lập nhau.

‘ 3 quy chuẩn quốc gia liên quan đến sản phẩm dinh dưỡng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Trước khi quy định có hiệu lực, cục ATTP đã có văn bản gửi Cục Quản lý giá, để thông báo việc quy chuẩn này sẽ có hiệu lực và khẳng định rõ bản chất các sản phẩm này chính là sản phẩm trước đây được quản lý về giá và đề nghị cục quản lý giá áp tên sản phẩm mới vẫn được quản lý giá như quy định cũ”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: “Các sản phẩm trước đây gọi là sữa thì nay theo Bộ Y tế đã chuyển sang gọi tên khác là sản phẩm dinh dưỡng hoặc sản phẩm thức ăn bổ sung công thức, vì vậy không nằm trong danh mục thực hiện bình ổn giá theo luật giá”.

Sản phẩm dinh dưỡng – Bộ Y tế thì nói vẫn được bình ổn giá còn Bộ Tài chính thì nói tên mới đã khiến sản phẩm này nghiễm nhiên ra khỏi danh mục bình ổn giá. Trong lúc hai Bộ còn bất đồng ý kiến, thì các hãng sữa đã tự cho phép mình tăng từ 5 - 20% từ tháng 4 trở lại đây mà không hề đăng ký giá.

Đã có không ít công văn giữa hai Bộ, nhiều cuộc họp đã được tổ chức giữa ba Bộ Tài chính, Y tế và Công thương. Nhưng một động tác đơn giản là đề xuất bổ sung sản phảm dinh dưỡng vào danh mục bình ổn giá lại không một bộ nào chịu nhận.

Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia nghiên cứu về giá: “Theo tôi quan điểm trong bối cảnh hiện nay, để bình ổn giá sữa, một trong vấn đề cơ bản là thống nhất lại tên gọi. Khi thống nhất lại tên gọi, các sản phẩm thuộc sữa đều thuộc diện Nhà nước kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Mỗi lần tăng giá phải kê khai, báo cáo”.

Đây là hai công văn giải trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mỗi bộ chỉ nhấn mạnh phần trách nhiệm của Bộ kia trong khi chẳng nhắc gì đến phần việc của mình.

Công văn báo cáo Thủ tướng của Bộ Tài chính:

Bộ Tài chính xin kiến nghị Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này. Đồng thời, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá...

Công văn báo cáo Thủ tướng của Bộ Y tế:

Kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ tài chính và UBND các tỉnh, thành phố, tăng cường thực hiện quản lý bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia nghiên cứu về giá cho biết: “Đáng lý trước thực trạng này, 2 bên phải ngồi bàn bạc với nhau cùng chủ động đề xuất. Vì nếu chủ động đề xuất, tôi nghĩ Thủ tướng sẵn sàng chấp nhận và sẵn sàng ngồi lại để chỉ đạo. Chứ không thể bên này đề nghị bên kia, bên kia đề nghị bên này và cuối cùng cứ để sự việc nhùng nhằng như vậy, hay nói cách khác, một quả táo vừa to vừa chua, khó ngậm, khó nuốt thì anh dồn cho bên khác, cái gì dễ ăn dễ làm không gây tai tiếng thì làm, việc này ta nên tránh.

Người tiêu dùng sữa cho biết: “Sinh ra chức năng của 2 Bộ đáng lẽ phải kết hợp với nhau, 2 Bộ nằm trong hệ thống kinh tế chính trị của một đất nước mà không gắn kết lẫn nhau, làm cho người tiêu dùng lãnh đủ”.

Người dân, người chịu tác động lớn nhất trong câu chuyện giá sữa lại chẳng mấy quan tâm đến cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa các Bộ. Họ chỉ mong một điều đơn giản - sữa được bình ổn giá để con em mình được uống sữa.

Người tiêu dùng sữa: “Tôi không quan tâm đến nó gọi là gì, tôi chỉ mong các cơ quan vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng để chúng tôi đỡ thiệt thòi”.

Có vẻ như quả bóng trách nhiệm quản lý giá cứ bị đẩy qua đẩy lại giữa Bộ Tài chính là Bộ chủ quản về giá và Bộ Y tế là Bộ quản lý chuyên ngành. Còn giá sữa cứ đang thoải mái tăng ngoài vòng bình ổn giá.

Một thông tin đáng chú ý là các quy chuẩn về sữa do Bộ Y tế soạn thảo được đưa ra trước khi Luật giá ra đời. Tuy nhiên tại sao Bộ Y tế lại không đề xuất đưa sản phẩm dinh dưỡng vào trong danh mục bình ổn giá của luật giá, phải chăng sự im lặng này là một nguyên nhân tạo ra những tranh cãi kéo dài trong quản lý giá sữa như hiện nay.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước