Những ngày qua, VTVMoney đã điều tra các dấu hiệu sai phạm về thuế liên quan đến hoạt động quảng cáo trực tuyến trên nền tảng TikTok. Cụ thể, từ đầu năm 2022, TikTok đã thông báo đến các đối tác mua quảng cáo tại Việt Nam nếu là tổ chức có đăng ký thuế khi mua quảng cáo sẽ tự chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế; còn không phải là tổ chức đã đăng ký, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại nhà nước.
Tuy nhiên thực tế hơn 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không đăng ký thuế vẫn tránh được khoản thuế này, khi chọn cách mua quảng cáo thông qua tài khoản đi thuê của các đại lý có hợp đồng chính thức với TikTok tại Việt Nam.
Các đại lý này mời chào công khai dịch vụ cho thuê tài khoản miễn thuế. Tuy nhiên để được quyền lợi này, khách hàng được yêu cầu không xuất hóa đơn, không kê khai thuế. Do quy trình hoàn thuế cho đại lý hiện tại của TikTok, các đại lý vẫn được TikTok hoàn lại 5% trên tổng doanh thu hàng quý để thay hãng công nghệ này đóng thuế nhà thầu tại Việt Nam. Tuy nhiên có kê khai và đóng thuế thay hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào tự giác của các đại lý.
Các đại lý tiết lộ, hiện có đến 50% khách hàng lớn đều yêu cầu các đại lý cung cấp dịch vụ thuê tài khoản như vậy, đặt ra dấu hỏi lớn về việc thất thu thuế.
Trong quá trình nhập vai, nhóm phóng viên đã được các đại lý quảng cáo tư vấn nhiều cách thức để ẩn đi dòng doanh thu thực tế, theo nhận định từ các chuyên gia là khó để kiểm soát được.
Để thuyết phục các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mua quảng cáo của TikTok thông qua tài khoản đi thuê từ đại lý, các đại lý không ngần ngại cho phép khách tự tích hợp các hình thức thanh toán quốc tế như: Visa, Mastercard, Paypal để nạp tiền trực tiếp với số lượng tùy thích, thậm chí là hỗ trợ các loại tiền kỹ thuật số như BUSD, USDT...
Để thuận lợi cho việc không phải kê khai thuế, một số đại lý còn chủ động tư vấn chỉ nên thanh toán qua tài khoản cá nhân.
Giới chuyên gia cho rằng, cơ quan thuế có thể gặp trở ngại để hậu kiểm dòng doanh thu qua các kênh thanh toán quốc tế hoặc giao dịch cá nhân vãng lai. Tuy nhiên không thể hạn chế hình thức thanh toán hoặc hay kiểm soát quá chặt các giao dịch cá nhân, như vậy sẽ tốn nguồn lực để thực hiện và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng chung của thị trường.
"Đối với các phương thức thanh toán này, trong trường hợp cơ quan quản lý cấm sử dụng, thay vì tìm ra phương thức quản lý thuế hữu hiệu sẽ khiến các hoạt động quảng cáo trên TikTok hoặc trên các nền tảng mạng xã hội gặp nhiều trở ngại, gây ách tắc trong việc giao thương hàng hóa", Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Giám đốc Công ty Luật ASL Law TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Tháng 3/2022, Tổng Cục Thuế đã vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, là một giải pháp mới để buộc các hãng công nghệ lớn kê khai thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Lũy kế đến nay, hơn 50 hãng công nghệ ngoại đã nộp trên 7.200 tỷ đồng, trong đó có pháp nhân TikTok tại Singapore, nhưng con số này được đánh giá vẫn rất khiêm tốn so với quy mô giao dịch thực tế.
"Cơ quan thuế buộc phải phụ thuộc vào hệ thống của nước ngoài. Việc hậu kiểm sẽ là một thách thức, vì với khối lượng giao dịch, quy mô giao dịch như thế thì quả thực nguồn lực để phân bổ không dễ dàng tí nào nếu muốn làm cho hiệu quả", ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế, Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, nhận định.
Một số chuyên gia kiến nghị, ngoài việc tiếp tục các giải pháp thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế, cơ quan thuế cần đẩy mạnh đầu tư vào các nền tảng công nghệ tự động theo dõi dòng doanh thu từ dịch vụ nước ngoài. Đây sẽ là giải pháp dài hạn, hài hòa lợi ích.
"Chúng ta đang thiếu nền tảng theo dõi và quản lý như vậy. Đó là vấn đề chính dẫn đến việc thất thu từ các nguồn tiền lớn do chúng ta không thống kê được doanh thu. Cái mà chúng ta thực hiện được là triển khai nền tảng trực tuyến từ cơ quan quản lý thuế, tích hợp với hệ thống ngân hàng để theo dõi giao dịch, đặc biệt là từ các đại lý quảng cáo có doanh thu lớn", Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, nêu quan điểm.
Theo Kantar Media, trong năm 2022, tính riêng doanh thu quảng cáo của 3 hãng công nghệ nước ngoài: Google, Facebook và TikTok tại Việt Nam là 2,5 tỷ USD, hơn 58.000 tỷ đồng. Con số sẽ còn tăng mạnh. Sớm có giải pháp hiệu quả chống thất thu thuế từ kinh tế số đang là nhiệm vụ cấp bách với ngành chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!