Theo quy định từ đầu năm 2022, TikTok đã thông báo đến các đối tác mua quảng cáo tại Việt Nam nếu là tổ chức có đăng ký thuế khi mua quảng cáo sẽ tự chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Còn không phải là tổ chức đã đăng ký, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra hơn 1 năm qua là nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không đăng ký thuế vẫn tránh được khoản thuế này, khi chọn cách mua quảng cáo thông qua tài khoản đi thuê của các đại lý có hợp đồng chính thức với TikTok tại Việt Nam.
Các đại lý này mời chào công khai dịch vụ cho thuê tài khoản miễn thuế, trong đó một số đại lý lớn tuyên bố không lấy phí thuê, mà khách hàng còn được hứa hẹn khoản chiết khấu nếu chịu chi số tiền lớn.
Không mất phí, không mất thuế, thậm chí còn được chiết khấu nếu mua quảng cáo, nghe như các đại lý này đang cho không khách hàng vậy. Nhưng mọi chuyện không đơn giản thế, đằng sau lời mời chào hấp dẫn này, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên VTV, các đại lý lớn không những không làm không công, mà còn "lợi đơn, lợi kép".
"Trước giờ bên em, cũng như tất cả các bên "chạy" không vấn đề phát sinh, chưa từng có trong tiền lệ vấn đề gì về thuế", nhân viên một đại lý quảng cáo của TikTok nói.
Các đại lý quảng cáo của TikTok khẳng định chắc nịch rằng, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khi mua quảng cáo thông qua tài khoản của đại lý sẽ không mất thêm hơn 10,8% thuế như thông thường. Nhưng đây là sự cam kết có điều kiện, quan trọng nhất là không được yêu cầu xuất hóa đơn, không kê khai thuế.
Một nhân viên cho hay: "Với những khách hàng có nhu cầu liên quan đến thuế bên mình sẽ chủ động khai báo những phần đó. Ví dụ như mã số thuế như này, submit (kê khai) lên... ông lấy cái đó về làm việc với bên cơ quan thuế, đó là thuế nhà thầu. Như một vài doanh nghiệp lớn hoặc lên sàn rồi sẽ cần giấy tờ như vậy. Hiện tại mọi người sẽ không làm, bên mình sẽ không submit (kê khai) lên và không lấy tiền đó từ phía khách hàng".
Một nhân viên khác nói: "TikTok chỉ trả phần nào phát sinh trên BC (hệ thống) mà không có hợp đồng thôi. Còn khi đã phát sinh hợp đồng liên quan đến agency (đại lý) thì agency phải trả. Khách hàng phải trả lại cho agency".
"Vẽ đường cho khách hàng chạy" một cách nhiệt tình, nhưng các đại lý lớn lại chấp nhận không thu phí dịch vụ. Điều khó hiểu này có thể được giải thích ở quy trình hoàn thuế cho đại lý hiện nay của TikTok.
Người đại diện của một trong những đại lý lớn của TikTok tiết lộ, hiện tại theo từng quý, phía TikTok sẽ căn cứ vào tổng giá trị tiền mua quảng cáo trên tài khoản của đại lý, để tự động hoàn trả lại 5% để đại lý thực hiện thay nghĩa vụ thuế nhà thầu. Còn việc các đại lý có kê khai và đóng thuế thay hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tự giác của các đại lý.
Thêm vào đó, TikTok có chính sách chi chiết khấu càng nhiều cho các đại lý đạt doanh thu càng lớn. đến 8%. Do đó, đại lý càng mở rộng dịch vụ cho thuê tài khoản càng có lợi.
Đại diện một đại lý quảng cáo lớn của TikTok tại Việt Nam cho hay: "Phần thuế này TikTok đã hỗ trợ, họ gửi lại số tiền cho mình để mình đóng thay. Nhưng một số đơn vị họ thanh toán bằng visa, họ không thực hiện khai báo về thanh toán. Không báo đầu vào nên đầu ra họ cũng không xuất hóa đơn VAT. Họ vừa nhận được số tiền hỗ trợ này, vừa không khai báo thuế nữa thì họ sẽ tăng được lợi nhuận. Họ dùng phần được hỗ trợ thuế này để chiết khấu lại và tặng cho khách hàng".
Theo một số chuyên gia, trường hợp nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã ủy quyền cho đại lý thực hiện nghĩa vụ thuế, đại lý là bên chịu trách nhiệm nếu có sai phạm. Tuy nhiên, các ý kiến khác lại cho rằng các hãng công nghệ có trách nhiệm liên đới, đặc biệt khi để sai phạm xảy ra công khai trong thời gian dài.
"Trong hoạt động của cả hai đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu như đối tác mình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, tôi cho rằng trong trường hợp này cần phải yêu cầu trách nhiệm từ phía nước ngoài", Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico nói.
Ông Phan Vũ Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế, Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận định: "Rất khó để cho bên nước ngoài họ có thể quản lý được. Một trong những cách cần dùng là quy định rõ hơn về chế tài trong hợp đồng. Ví dụ như bên Việt Nam được xác định là tuân thủ không tốt, ngay lập tức tôi có quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường".
Tiết lộ với phóng viên VTV, một số đại lý quảng cáo cho biết sau khi dịch vụ cho thuê tài khoản nở rộ, hiện tại có đến 50% khách hàng có chi tiêu lớn đều yêu cầu các đại lý cung cấp dịch vụ này. Bên cung cấp dịch vụ nước ngoài như TikTok vẫn hưởng nguồn thu hàng triệu, hàng chục triệu USD. Các đại lý quảng cáo thì cũng "lợi đơn, lợi kép". Chỉ có ngân sách Nhà nước là có nguy cơ bị thất thu thuế.
Trong quá trình nhập vai, nhóm phóng viên VTV đã được các đại lý quảng cáo tư vấn nhiều cách thức để ẩn đi dòng doanh thu thực tế, mà theo nhận định từ các chuyên gia là rất thách thức để cơ quan quản lý, kiểm soát được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!