Sáng nay (23/5), tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XiV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Việc đề xuất thành lập 3 đặc khu ở 3 miền là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chuyên gia kinh tế và cả các ĐBQH.
Trước đó, bên hành lang Quốc hội, chiều 22/3, ĐBQH Đỗ Thị Lan – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ quan điểm với VTV News về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. ĐBQH Đỗ Thị Lan cho biết: "Từ việc tiếp thu nhiều ý kiến từ các ĐBQH, lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… đến nay, nhiều nội dung đã được điều chỉnh để phù hợp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu dự án Luật này để đáp ứng yêu cầu theo chủ trương của Bộ Chính trị đã có kết luận về xây dựng dự án Luật này với yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển kinh tế của tỉnh, của vùng và của đất nước".
ĐBQH Đỗ Thị Lan cho hay, vẫn còn có những điểm cần nghiên cứu, quan tâm để tiếp tục điều chỉnh sao cho khi Luật được ban hành, có hiệu lực sẽ có tính khả thi cao, khi thực hiện đạt được kết quả: "Ví dụ như hiện nay về cơ chế tài chính, lần này dự thảo Luật đã xây dựng quy định Quốc hội sẽ xem xét những dự án đầu tư hạ tầng về lĩnh vực kinh tế, xã hội và đồng thời sẽ quyết định mức đầu tư có mục tiêu cho các đặc khu kinh tế.
Chúng tôi nhận thấy, thủ tục đề nghị các dự án được đầu tư có mục tiêu còn mất thời gian tương đối dài, chưa được gọn nhẹ, cần giảm thiểu thủ tục hành chính. Thứ hai là, mức đầu tư có mục tiêu cho các dự án đầu tư hạ tầng cho các đặc khu là chưa rõ ràng về thời gian được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chưa rõ về mức được hỗ trợ".
ĐBQH Đỗ Thị Lan lấy ví dụ cụ thể: "Trên thế giới đã có những đặc khu thành công như Thẩm Quyến. Những năm đầu, đặc khu kinh tế này nhận được ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Năm đầu tiên, mức hỗ trợ tương đối lớn, lên tới 48% và giảm dần ở những năm tiếp sau. Đây là cú hích quan trọng để tạo nền tảng, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào đặc khu. Chính vì vậy, chúng tôi cũng quan tâm, làm thế nào lần này Quốc hội bàn để có quy định về nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước đối với việc đầu tư ban đầu cho các đặc khu khi mới thành lập để xây dựng hạ tầng về an sinh xã hội, kinh tế cũng như môi trường. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn cho các đặc khu trong triển khai để xây dựng phát triển đặc khu".
ĐBQH Đỗ Thị Lan cho rằng, quy định các ngành nghề ưu tiên trong dự thảo luật đối với các đặc khu nhưng vẫn có những ngành nghề ưu tiên theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị đó là theo tiềm năng lợi thế của từng địa phương, có thể phát triển được theo xu thế thế giới để tạo điều kiện khuyến khích các chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực này ở các đặc khu. "Chúng tôi có thể đề nghị thêm một số ngành nghề ưu tiên phù hợp với từng đặc khu có khả năng thu hút các nhà đầu tư phát triển theo hướng bền vững và theo xu thế thế giới. Ví dụ như Vân Đồn, chúng tôi nhận thấy có thể phát triển ngành nghề logistics, hỗ trợ tài chính, y tế và giáo dục… Khi đặc khu phát triển, những đặc khu này sẽ thu hút lượng lớn dân di cư về khu vực này bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam. Theo đó, dịch vụ y tế chất lượng cao sẽ đáp ứng yêu cầu của cả lĩnh vực kinh tế, kinh tế du lịch cũng như giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn. Hay là ngành nghề về giáo dục và đào tạo cũng được khuyến khích đối với các nhà đầu tư có khả năng để phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao", Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề xuất.
Bà Đỗ Thị Lan – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về các vấn đề liên quan tới dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
"Một vấn đề khác cũng cần được xem xét, quan tâm đó là cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam có thể được hưởng những ưu đãi về nhà ở, hạn chế những điều kiện yêu cầu khắt khe để các nhà đầu tư có thể quyết định đầu tư vào các đặc khu. Lần này, dự thảo luật cũng đã sửa đổi, chỉnh lý và hoàn thiện rất nhiều nội dung. Chúng tôi tin tưởng là, lần này sẽ điều chỉnh một số điểm đáp ứng được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra là quy định một số cơ chế chính sách trong luật và đảm bảo tính vượt trội, cạnh tranh toàn cầu để thu hút các nhà đầu tư tiềm lực vào các đặc khu. Các địa phương đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện để có thể triển khai phát triển các đặc khu ngay sau khi luật có hiệu lực và có Nghị quyết thành lập đặc khu.
Ví dụ, Quảng Ninh đang chuẩn bị các điều kiện đồng thời. Thứ nhất là thu hút mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng. Hiện tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng hạ tầng, bao gồm cả nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, tỉnh và các nhà đầu tư là khoảng 60.000 tỷ đồng cho đường cao tốc, cầu, cảng biển và một số lĩnh vực khác. Hai là, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động để xây dựng đội ngũ nhân lực, nhân sự để chuẩn bị cho việc tổ chức chính quyền địa phương theo yêu cầu của Luật. Ba là, chúng tôi đã chuẩn bị thận trọng đối với các giải pháp thu hút các nhà đầu tư, đến nay đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu tại đặc khu kinh tế Vân Đồn; các điều kiện khác đang được chuẩn bị song song như quản lý đất đai, xây dựng quy hoạch và các nội dung khác. Do vậy, chúng tôi tin tưởng khi luật được Quốc hội bàn thảo trong lần thứ hai này sẽ quyết định thông qua dự án Luật. Cùng với việc Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các văn bản chi tiết đồng thời để ban hành luật, đây là một sự đổi mới mà chúng tôi tin sẽ thực hiện được việc triển khai xây dựng đặc khu theo đúng chủ trương làm đột phá để phát triển kinh tế của tỉnh, của vùng và của cả nước", ĐBQH Đỗ Thị Lan nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp khắp cả nước. Sau nhiều năm duy trì tăng trưởng khá, gần đây, các khu kinh tế này đang có dấu hiệu phát triển chậm lại và giảm dần sức hấp dẫn.
Trong khi đó, trên thế giới, cơn sốt đặc khu kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Từ 9 khu kinh tế vào thập niên 1960, con số đặc khu đã tăng 500 lần trong hơn 50 năm, lên 4.500 khu kinh tế tại 140 quốc gia vào năm 2016. Thu hút đầu tư,thúc đẩy thương mại, khuyến khích các ngành công nghệ hiện đại, tạo việc làm là những đóng góp mà làn sóng đặc khu kinh tế toàn cầu mang lại.
Các đặc khu này đang cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút đầu tư với các khu kinh tế hiện có tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngay lúc này, Việt Nam đang thực sự cần một động lực đột phá mới mà mô hình đặc khu kinh tế với các cơ chế, chính sách vượt trội, có thể cạnh tranh với quốc tế chính là điều Việt Nam đang tìm kiếm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!