Tại nhiều tuyến phố kinh doanh vốn sầm uất, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều tấm biển sang nhượng, cho thuê tiếp tục được treo lên tìm người thuê. Nhiều hộ kinh doanh trên tuyến phố Thái Hà, Hà Nội tỏ rõ sự chán nán khi việc buôn bán trở nên ế ẩm hơn rất nhiều.
"Kết thúc đợt giãn cách xã hội cuối tháng tháng 4, khách đã bắt đầu đi mua sắm lại. Nhưng từ khi dịch tái xuất hiện, sức mua giảm mạnh hơn nhiều. Tôi cố gắng duy trì việc thuê mặt bằng vì cũng không thể chấm dứt hợp đồng khi thời hạn vẫn còn", một chủ hàng chia sẻ.
Cũng với những lo lắng về sức mua, chủ 1 cửa hàng khác bán đồ mỹ phẩm cho hay nếu tình hình không cải thiện việc trả lại mặt bằng là điều sớm muộn vì duy trì hoạt động phải trả rất nhiều chi phí. Ngoài chi phí thuê mặt bằng, các chủ cửa hàng còn phải chịu chi phí điện, lương nhân viên, trong khi kinh doanh vắng khách.
Các cửa hàng tại nhiều tuyến phố tiếp tục treo biển sang nhượng (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Theo bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Thị trường Hà Nội, JLL Việt Nam, khi dịch bệnh quay trở lại, áp lực trong sức mua sẽ giảm và duy trì mặt bằng sẽ còn nặng nề hơn nữa. Vậy nên xu hướng trả lại mặt bằng sẽ có tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Một số nhà bán lẻ đã vượt qua ngưỡng cầm cự và cố gắng, họ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn việc có tiếp tục duy trì mặt bằng bán lẻ này hay không hoặc chuyển sang những mô hình kinh doanh thay thế như trực tuyến. Điều này sẽ khiến thị trường bất động sản bán lẻ thay đổi trong thời gian tới.
"Mặt bằng bán lẻ sẽ có sự thanh lọc trong thời gian sắp tới. Những mặt bằng quá đắt đỏ ở những vị trí trung tâm sẽ là những đối tượng đầu tiên bị các nhà bán lẻ nghĩ tới. Sức mua giảm sẽ có thể thiết lập lại mặt bằng giá thuê trong tương lai, đặc biệt là mặt bằng có quy mô vừa và nhỏ.
Việc giảm giá thuê này 1 phần liên quan đến việc các đơn vị bán lẻ không sẵn sàng trong việc thuê mặt bằng trả giá cao. Hoặc các bên cho thuê họ cũng sẽ phải có động thái hỗ trợ bên thuê. Do đó, giá thuê chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh giảm trong thòi gian tới", bà Vân nói.
Thị trường bất động sản cho thuê sẽ được thanh lọc sau đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Vân, kinh tế có thể hồi phục trở lại, nhu cầu với những mặt bằng đắc địa sẽ rất lớn. Đối với những chủ sở hữu những mặt bằng quy mô vừa và nhỏ, sẽ phải cân nhắc đến yếu tố làm thế nào để cho mặt bằng đó có thể sẵn sàng tiếp nhận khách hàng được ngay.
Ví dụ cơ sở vật chất phải rất sẵn sàng và cạnh tranh bằng giá thuê ưu đãi. Bên cho thuê cần cạnh tranh tới 2 yếu tố. Yếu tố đầu tiên, các điều khoản thương mại phải ưu đãi. Điều thứ hai là chi phí đầu tư, những mặt bằng yêu cầu ít chi phí đầu tư hơn sẽ có khả năng cho thuê được tốt hơn và nhanh hơn.
Ngoài ra, cần cân nhắc về tiến độ thanh toán. Việc có một tiến độ thanh toán linh hoạt và giãn tiến độ thanh toán sẽ là một yếu tố giúp cho những mặt bằng có thể cho thuê trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!