Quốc gia thành viên cần phải "can đảm" khi tham gia TPP

Trần Hà - Lê Tuyển, Phóng viên thường trú Đài THVN tại Mỹ-Thứ tư, ngày 14/10/2015 13:42 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về ý nghĩa của thoả thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những tác động của nó đối với các nước thành viên.

Thoả thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương đã nhận được sự tán thành chung của 12 nước thành viên trong đó có Việt Nam. Phải mất gần 3 tháng nữa thoả thuận này được các Quốc hội thông qua lần cuối. Tuy nhiên vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về ý nghĩa của thoả thuận và những tác động của nó đối với các nước thành viên. Những câu hỏi này đã phần nào được trả lời tại hội thảo về TPP do trường Đại học Colombia, Mỹ vừa tổ chức.

Câu hỏi đầu tiên và nhận được nhiều sự quan tâm lúc này là TPP có phải là một thoả thuận tốt với các quốc gia thành viên bởi hiện nay trình độ phát triển của 12 nền kinh tế đang rất khác nhau.

Ông Takatoshi Ito, Cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, nói: “Theo tôi còn tuỳ thuộc đó là quốc gia nào. Tuy nhiên, nhìn chung đây là một thoả thuận tốt cho tất cả các quốc gia thành viên. Tại Nhật Bản vẫn có những doanh nghiệp được hưởng lợi và doanh nghiệp khó cạnh tranh. Chính phủ Nhật đang đưa ra các biện pháp hỗ trợ cả mặt tài chính cũng như hành chính để giúp họ cải tổ”.

Nếu thành hiện thực, TPP sẽ chiếm tới ¾ giao dịch thương mại toàn cầu, và xoá bỏ hàng chục ngàn loại thuế quan khác nhau. Cái lợi lớn như vậy, tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đủ “can đảm” để tham gia.

Bà Mari Pangestu, Cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết: “Từ kinh nghiệm cá nhân tôi thấy khi Indonesia tham gia đàm phán với Mỹ về thương mại, phía Mỹ đưa ra những tiêu chuẩn rất cao mà với Indonesia lúc đó và ngay cả bây giờ khó đáp ứng được. Vì vậy, chúng tôi cần thời gian để điều chỉnh và cũng để quan sát quá trình tham gia của Malaysia và Việt Nam”.

Sau khi 12 nước tham gia đàm phán đạt được sự đồng thuận chung, TPP sẽ phải mất ít 3 tháng để chờ quốc hội các nước thông qua lần cuối. Mỹ - một trong những quốc gia khởi xướng TPP có khả năng đối mặt với sự phản đối từ Đảng Cộng hoà trong quốc hội bởi họ cho rằng nước Mỹ sẽ để mất việc làm cho các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn.

Bà Merit E. Janow, Trưởng Khoa hợp tác Quốc tế, Đại học Colombia, Mỹ, nói: “Theo nghiên cứu mới nhất, có tới 2/3 người Mỹ nhận thấy đây là thoả thuận tốt cho nước Mỹ. Cá nhân tôi lạc quan về việc Quốc hội Mỹ sẽ thông qua bởi ai cũng có thể đưa ra quan điểm nhưng mọi người sẽ cùng nhìn thấy điểm lợi chung mà thoả thuận đem lại”.

Mặc dù vẫn có những ý kiến trái chiều về tác động của TPP với các quốc gia thành viên. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, ít nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng yếu ớt hiện nay, thì xoá bỏ các rào cản đang là 1 quyết sách đúng đắn để hỗ trợ các doanh nghiệp vơn ra khỏi thị trường truyền thống, từ đó, giúp thúc đẩy đà tăng trưởng chung của các nền kinh tế.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước