TPP là động lực mới cho kinh tế Việt Nam

Vân Anh (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 12/10/2015 22:22 GMT+7

VTV.vn - Đó là nhận định của ông Andrew Fennell - Quyền Giám đốc của Fitch Ratings tại châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam là nước được hưởng lợi lớn nhất từ tác động của Hiệp định đối tác thương mại tự do Xuyên Thái Bình Dương - TPP. Đây là nhận định vừa được Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch tuyên bố cách đây ít giờ. Phóng viên Trung tâm Tin tức VTV24 đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Andrew Fennell - Quyền Giám đốc của Fitch Ratings tại châu Á - Thái Bình Dương, người phụ trách thực hiện bản báo cáo, để có cái nhìn sâu hơn.

Thưa ông Andrew Fennell, Fitch đã dựa trên cơ sở phân tích nào để đưa ra nhận định rằng Việt Nam là quốc gia được lợi nhiều nhất khi tham gia hiệp định TPP?

- Khi đánh giá tiềm năng thương mại của một nền kinh tế, chúng tôi xem xét đến chỉ số thương mại mở - Trade openess của nền kinh tế đó. Ổn định về kinh tế vĩ mô cộng với đà phát triển bền vững là các nhân tố chính khiến Fitch nâng xếp hạng tín dụng của Việt Nam lên "BB-" trong tháng 11/2014 .

Không những thế, Fitch cũng đánh giá độ mở của thị trường Việt Nam là rất cao so với các quốc gia có cùng bậc xếp hạng. Thỏa thuận TPP sẽ tác động đáng kể đến 2 lĩnh vực chủ chốt tại Việt Nam là thương mại và chính sách kinh tế nội địa. Và nếu thỏa thuận TPP được phê chuẩn, Việt Nam có thể ghi nhận những tác động rất tích cực với tăng trưởng kinh tế tăng thêm 10% trong vòng 10 năm, nhờ đầu tư và xuất khẩu tăng mạnh.

Tăng trưởng kinh tế 10% đến năm 2025 là một con số rất ấn tượng. Lý do nào khiến Fitch đưa ra mức đánh giá như vậy?

- Các thị trường nội khối TPP hiện chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu và hơn 20% giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm tối thiểu chi phí để xuất khẩu vào các thị trường tiêu dùng khó tính như Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Nếu việc gia nhập Tổ chức thương mại WTO năm 2007 là bước đi lịch sử cho sự gia nhập của thị trường Việt Nam với thế giới, thì sự thành công trong đàm phán Hiệp định TPP cho thấy Chính phủ Việt Nam đã hoàn toàn chủ động trên con đường để kết nối thương mại với những thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Vậy theo nhận định của Fitch, những khó khăn trước mắt của Việt Nam khi gia nhập TPP là gì?

- Việc nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn do tình trạng thâm hụt tài khóa lớn và nợ công vẫn cao. Chúng tôi ước tính thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ tăng lên 6,9% GDP trong năm 2015 từ mức 6,1% của năm 2014. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nhưng ngược lại đang kìm hãm cán cân thương mại.

Xin cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước