Quy định điều kiện kinh doanh: Quá nhiều và chưa hợp lý

Đào Hiền - Chu Chỉnh-Thứ sáu, ngày 15/05/2015 06:00 GMT+7

Nguồn: vietq

VTV.vn - Ngày 1/7, Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực, một trong những điều được doanh nghiệp quan tâm là thay đổi quy định điều kiện kinh doanh.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, ngày 13/5, tại Hà Nội, gần 100 đại biểu đại diện cho các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, luật sư đã tham gia thảo luận, góp ý về điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư. Chương trình do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Các đại biểu tại hội nghị đều nhất trí, hiện tại quy định về điều kiện kinh doanh quá nhiều và chưa hợp lý. Tập hợp chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh khoảng 900 trang giấy, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền… điều này đã gây ra nhiều hạn chế trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Điều đó tạo ra rào cản lớn cho DN khi gia nhập thị trường, vì vậy việc gia nhập thị trường trở nên đắt đỏ và khó khăn. Hệ lụy hơn, những điều kiện kinh doanh cứng nhắc như thế đã triệt tiêu sự sáng tạo của hoạt động kinh doanh, bởi doanh nghiệp khi hoạt động ngoài những điều kiện kinh doanh thì bị coi là hoạt động bất hợp pháp”.

Trong số hơn 5.600 quy định về điều kiện kinh doanh, có đến gần 1.700 điều kiện kinh doanh đang được quy định trong thông tư và quyết định do các Bộ, ngành, UBND các cấp ban hành. Vì vậy, một điểm mới trong Bộ Luật đầu tư được các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề đánh giá cao, đó là hủy bỏ quyền ban hành quy định về điều kiện kinh doanh của các Bộ ngành và UBND các cấp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát biểu: “Tôi hoàn toàn tán thành thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh, chỉ có Chính phủ có quyền, mà muốn làm được như vậy thì đòi hỏi các cơ quan tham vấn, biên soạn nghị định phải đổi mới, cải cách quy trình làm việc và nâng cao trình độ”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia đánh giá, đơn giản hóa quy định điều kiện kinh doanh mới chỉ là bước đầu, quan trọng là phải ban hành được những quy định hợp lý và sát với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin & Vecchi kiến nghị: “Các điều kiện kinh doanh khi được xây dựng, ban hành cần có một cơ quan, tổ chức và cơ chế giám sát. Ở đây có một cơ chế giám sát khá hiệu quả, đó là giám sát từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Có nghĩa Nhà nước phải có nghĩa vụ chứng minh với doanh nghiệp điều kiện tôi đưa ra có hợp lý, thuận tiện và bình đẳng cho doanh nghiệp hay không”.

Theo kế hoạch, thời hạn lấy ý kiến cho Luật Đầu tư sửa đổi là ngày 31/3, tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vẫn tiếp tục tiếp nhận những ý kiến đóng góp cho đến giờ phút cuối cùng trước khi ban hành, kể cả sau khi đã trình Chính phủ vẫn có thể tiếp nhận góp ý để bổ sung thêm. Vì vậy, đại diện Bộ kiến nghị, các doanh nghiệp quan tâm hơn vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của mình.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước