Dù có không ít khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nhưng ngành nông nghiệp hoàn toàn có cơ sở để phát triển vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao trong 10 năm tới.
Để làm được điều đó, theo các chuyên gia, thích ứng, thuận thiên, chuyển đổi phù hợp chính là giải pháp. Một bản quy hoạch vùng với tầm nhìn đến năm 2050 được xem là cơ sở vững chắc cho sự chuyển đổi này.
Sau 17 hội thảo, 12 cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn lần cuối về "Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai theo phương pháp tích hợp và cũng là quy hoạch đầu tiên được lập theo Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua. Quy hoạch lần này lấy con người làm trọng tâm, tài nguyên nước làm nền tảng.
"Con người đây là nông dân, sống chỗ nào mình chú ý sao cho họ giàu lên. Tôi cho rằng đây là quy hoạch tương đối toàn diện", GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp nói.
Quang cảnh hội nghị. TTXVN
Chiến lược quy hoạch vùng ĐBSCL được thiết kế để vừa quản ý thách thức, vừa tạo ra giá trị. Trong đó nông nghiệp sẽ phát triển theo 3 vùng: mặn, lợ, ngọt; thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất số lượng cây trồng có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn; còn các trung tâm đầu mối công nông nghiệp sẽ giúp gia tăng giá trị.
Chẳng hạn Bến Tre sẽ tập trung vào trái cây và rau màu, An Giang là lúa gạo, thủy sản, hay Đồng Tháp là trái cây, hoa, cây cảnh…
Ông Liên Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho hay: "Bản quy hoạch này sẽ là cơ hội phát triển mô hình mới, tức các địa phương sẽ phát triển theo cách đi của mình, như vậy, đây gọi là chiến lược đại dương xanh, phát huy sức mạnh tổng hợp, không có sự cạnh tranh.
Quy hoạch tích hợp - cơ hội cho ĐBSCL phát triển. Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Dù vậy theo các địa phương, để ĐBSCL thực sự bứt phá, với mức GRDP bình quân đầu người đạt mức 4.100 USD vào năm 2030 khu vực này cần có thể chế và nguồn lực đầu tư phù hợp.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết các địa phương đều đồng thuận với Quy hoạch tích hợp lần này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12. Đây sẽ là cơ hội để ĐBSCL thực sự chuyển mình trong tương lai không xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!