Dự báo này nhận được đồng thuận tại hội nghị quốc tế về thương mại điện tử vừa diễn ra cuối tuần qua tại Singapore.
Báo cáo mới cho thấy sau 2 năm dịch, hơn 50% người dùng tại Đông Nam Á tìm kiếm trực tiếp sản phẩm trên sàn thương mại điện tử mà không qua trung gian cho thấy kênh này ngày càng phổ biến.
Xu hướng dịch chuyển lên trực tuyến của các doanh nghiệp, thương hiệu lớn tiếp tục diễn ra. Số lượng thương hiệu ghi nhận trên một sàn tại khu vực đã lên đến hơn 32.000 doanh nghiệp
"Khi kinh tế mở cửa trở lại sau dịch, chúng tôi suy nghĩ về chiến lược bán trực tuyến cũng nhiều như bán trực tiếp vậy. Đây cũng sẽ là hướng đi lâu dài của chúng tôi, phát triển song song cả hai kênh, nếu không muốn nói là đa kênh - omni-channel", bà Cecile Courbon - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Trực tuyến, Estée Lauder Đông Nam Á, cho biết.
Sự phát triển của thương mại điện tử đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Các thương hiệu lớn giờ phải duy trì sự hiện diện hàng ngày trên trực tuyến để có thể tương tác được với người dùng, đặc biệt là đối với nhóm người dùng trung thành", ông Ken Yamada, Tổng Giám đốc Thương mại số, Nike Đông Nam Á và Ấn Độ, cho hay.
Sự phát triển của thương mại điện tử đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều hơn. Điển hình như ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường trong mua sắm mỹ phẩm trực tuyến đã giúp tỷ lệ chuyển đổi ghi nhận trên 1 sàn tăng hơn 3 lần. Còn giá trị đơn hàng trung bình cũng tăng hơn 10%.
Theo Statista, tỷ lệ thâm nhập của người dùng thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ đạt hơn 60% vào năm 2025, tăng 10 điểm % so với hiện nay, tương ứng với hơn 410 triệu người mua sắm trực tuyến.
Đây cũng là thời điểm theo Metric, Việt Nam sẽ đạt quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ lên gần 40 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực chỉ sau Indonesia.
"Đến thời điểm này, tỷ trọng của thương mại điện tử trong ngành bán lẻ vẫn còn thấp, Mỹ là hơn 20%, Trung Quốc là 30%. Việt Nam là khoảng 10% và sẽ còn tăng hơn nữa nếu so với bình quân GDP đầu người và sức tiêu dùng. Tôi tự tin rằng thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng rất nhanh trong vài năm tới", ông James Dong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada, đánh giá.
Dù nhận định chung lạc quan, nhưng giới phân tích cho rằng ngành bán lẻ nói chung và thương mại điện tử nói riêng đang chịu rủi ro từ áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia lớn, nguy cơ suy thoái ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân. Doanh nghiệp cần tính kế hoạch dự phòng rủi ro kỹ càng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!