Quy trình rút gọn: “Chìa khóa” mở van dòng chảy vốn đầu tư công

Quỳnh Như - Tạ Hậu-Thứ năm, ngày 23/07/2020 06:39 GMT+7

VTV.vn - Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang là yêu cầu bứt thiết để hoàn thành mục tiêu khôi phục, tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.

Từ đầu tuần đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã liên tục có những cuộc đối thoại với chính quyền các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ để gỡ vướng giải ngân, trong đó đặc biệt là đầu tàu kinh tế TP.HCM.

TP.HCM gỡ "điểm nghẽn" giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến giữa tháng 7 này, TP.HCM đã giải ngân 18.836 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 45,2% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, đây là con số vẫn chưa đạt được theo kỳ vọng ở đầu tàu kinh tế TP.HCM.

Trong cuộc họp trực tiếp với lãnh đạo TP.HCM mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố không được để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân và thu hút vốn đầu tư. TP.HCM cũng đã đề xuất loạt giải pháp để "tháo gỡ" các khó khăn vướng mắc cho các công trình đầu tư công

Quy trình rút gọn: “Chìa khóa” mở van dòng chảy vốn đầu tư công - Ảnh 1.

TP.HCM đã đề xuất loạt giải pháp để "tháo gỡ" các khó khăn vướng mắc cho các công trình đầu tư công. Ảnh minh họa.

Có nhiều loại các dự án đầu tư công đang bị nghẽn tại TP.HCM. Một là các dự án đầu tư bằng ngân sách; hai là các dự án vay vốn ODA.

Đối với các dự án vay vốn ODA, đơn cử như dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đang bị vướng ở chỗ tiền giải ngân khi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có sự đồng thuận ở việc giải ngân giữa tiền Yen Nhật hay tiền đồng. 

Mới đây, trong cuộc họp với TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đồng ý với đề xuất của thành phố là thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại của dự án theo tiền Yen Nhật là hơn 17 tỉ Yen, tương đương với 3.682 tỉ đồng (tính theo tỉ giá bình quân tại thời điểm phê duyệt điều chỉnh dự án vào vào tháng 11/2019).

Ngoài ra, một điểm nghẽn, một khâu yếu nhất thường gặp trong giải ngân đầu tư ở tất cả dự án có thu hồi đất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Khi chủ đầu tư và người dân không tìm được tiếng nói chung trong việc xác định giá đến bù, khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Tại TP.HCM đa số các dự án hạ tầng giao thông bị vướng ở khâu này.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế thí điểm một quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây được xem là chìa khóa quan trọng "mở van" cho dòng chảy vốn đầu tư công của TP.HCM trong thời gian tới.

Rút ngắn trình tự duyệt giá đền bù chỉ còn 20 ngày

Nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết 27 Chính phủ đó chính là cho phép TP.HCM rút ngắn trình tự duyệt giá đền bù. Cụ thể, theo quy trình cũ khi dự án bắt đầu thực hiện thì các quận, huyện mới đi thuê cơ quan thẩm định giá, sau đó qua 5 cơ quan ban ngành duyệt rồi mới công bố lấy ý kiến người dân.

Còn với quy trình mới, ngay từ đầu mỗi năm, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ công khai hệ số giá đền bù từng khu vực có dự án bồi thường, để người dân biết trước. Quy trình cũ phải mất 90 ngày để ra giá đền bù. Còn với quy trình mới chỉ còn 20 ngày.

Quy trình rút gọn: “Chìa khóa” mở van dòng chảy vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kỳ vọng chính sách cải cách mang tính đột phá này sẽ giúp hàng trăm dự án đầu tư trên địa bàn được khơi thông. Đại diện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho biết, đến nay đã trình cho Ủy ban Nhân dân danh sách cụ thể 187 dự án đang triển khai, với hệ số giá cụ thể cho từng loại đất trong dự án được đền bù.

Ngoài ra, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, quy trình sinh ra là để minh bạch, rõ ràng hơn trong việc thực hiện, nhưng con người mới là yếu tố quyết định "nhanh hay chậm" của một dự án đầu tư.

Cần kích hoạt "trạng thái thời chiến" về kinh tế

Hiện nay, TP.HCM đang triển khai trên 1.000 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là hơn 41.000 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu sẽ giải ngân 100% vốn trong năm nay. Đây là một thách thức không hề nhỏ không chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu TP.HCM, mà còn là các quyết sách mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được xem là giải pháp quan trọng để giữ tăng trưởng kinh tế.

Qua 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 56.230 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp tại TP.HCM chiếm tỷ lệ đến 30%.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, việc khơi thông giải ngân vốn đầu tư công sẽ là giải pháp rất quan trọng để tạo ra thị trường, tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp trong nước. Nhưng để làm được cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn về quan điểm điều hành kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - đề xuất cần có những nghiên cứu thay đổi các phương thức đấu thầu, các điều kiện chọn nhà thầu theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước dễ nhận thầu các dự án đầu tư công.

Còn Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - thậm chí cho rằng cần có những điều chỉnh từ văn bản luật, có như vậy điểm nghẽn về giải ngân mới được tháo gỡ.

Quy trình rút gọn: “Chìa khóa” mở van dòng chảy vốn đầu tư công - Ảnh 3.

TP.HCM đang triển khai trên 1.000 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là hơn 41.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Về cách thức triển khai, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chương trình Chính sách công và Quản lý Fulbright - đề xuất thay vì phân tán nguồn lực để theo đuổi mục tiêu giải ngân 100% đối với toàn bộ dự án ở các địa phương thì có thể tính áp dụng Quy luật Pareto 80/20 trong quản trị doanh nghiệp vào giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, 80% vướng mắc giải ngân sẽ chỉ nằm ở 20% số nguyên nhân. Tương tự 80% lượng giải ngân sẽ chỉ tập trung ở 20% dự án lớn nhất. Hiệu quả sẽ lớn nếu tập trung giai quyết con số 20%.

Quy trình rút gọn: “Chìa khóa” mở van dòng chảy vốn đầu tư công - Ảnh 4.

Quy luật Pareto 80/20 trong quản trị doanh nghiệp vào giải ngân vốn đầu tư công

Về dài hạn ông Du cũng kiến nghị cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo để phục vụ lợi ích chung trong quá trình giải ngân vốn.

Có thể thấy, một đồng vốn đầu tư công bỏ ra, sẽ thu hút 9 đồng vốn đầu tư xã hội. Tính trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM khá thấp, chỉ đạt 1,02%. Do vậy, với các đề xuất của TP.HCM, trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng cho biết cơ bản đồng ý và giao các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể cho thành phố nhanh nhất trong 20 ngày tới đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

TP.HCM cũng đã thực hiện việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu từng dự án để giám sát tiến độ thực hiện. Ngoài ra, để đẩy nhanh giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công, cứ mỗi 2 tuần làm việc, lãnh đạo thành phố đều tổ chức gặp trực tiếp với các đơn vị được giao thực hiện dự án, trao đổi những vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp để gỡ khó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước