“TP.HCM không được trì trệ, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công”

Trung Kiên, Lê Tuấn (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 20/07/2020 20:05 GMT+7

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu trên tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chiều nay (20/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc vào chiều tối nay, Thủ tướng đã yêu cầu đầu tầu kinh tế này không được chậm trễ, trì trệ và phải với tinh thần tiến công để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân.

Sau cuộc kiểm tra ở tỉnh Ninh Bình và 12 tỉnh miền Trung, Tây nguyên trong hơn 1 tuần qua, đây là cuộc làm việc thứ 3 của Thủ tướng với các địa phương về vấn đề này, góp phần để cỗ xe tam mã là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đưa nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Năm nay, tổng vốn đầu tư công TP.HCM được giao và phân bổ là gần 42.000 tỷ đồng, trong đó gần 8.000 tỷ là vốn ngân sách Trung ương. Đến trung tuần tháng này, khối lượng giải ngân đã đạt khoảng 48%, gấp 3 lần so với năm năm 2019.

Thành phố đặt mục tiêu cả năm nay sẽ giải ngân đạt trên 95%. Cách làm của thành phố là cứ 2 tuần Ủy ban nhân dân thành phố họp giao ban về tiến độ giải ngân một lần và các quận, huyện cũng phải làm như vậy.

“TP.HCM không được trì trệ, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công” - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo thành phố vừa thực hiện tốt phòng chống dịch COVID-19 vừa dồn sức để xây dựng thể chế và có nhiều cố gắng trong chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư. Việc lãnh đạo thành phố quyết tâm giải ngân gần 100% vốn đầu tư công trong năm nay là nỗ lực rất lớn và là tấm gương đối với nhiều địa phương khác.

Mặc dù, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhưng có khoảng 10 dự án sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi, cùng với các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thành phố kiến nghị với Chính phủ giải quyết cụ thể do vướng mắc về cơ chế, pháp luật.

Nhất trí với ý kiến với các bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với hầu hết các kiến nghị của thành phố trong đó có dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2, cùng với dự án cao tốc TP.HCM - Tây Ninh, đồng thời đồng ý Chính phủ sẽ bổ sung ngay vào quy hoạch 1 khu công nghiệp mới cho thành phố.

Tuy nhiên, Thủ tướng cùng bày tỏ sự lo lắng và yêu cầu thành phố phải hết sức quan tâm tới việc khơi thông dòng vốn đầu tư nhân, nhất là vào thị trường bất động sản, vì cả năm 2019 thành phố chỉ khởi công được duy nhất 1 dự án và hiện nay thị trường đang khan hàng, trong khi bất động sản đô thị, công nghiệp là một động lực tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với phương châm của Bí thư Thành ủy TP.HCM, đó là năm nay diễn ra Đại hội Đảng nhưng thành phố không quên phát triển kinh tế và phát triển kinh tế để tạo điều kiện cho Đại hội Đảng thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ với khó khăn của thành phố do tác động của dịch COVID-19 nên 6 tháng qua chỉ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Mức tăng trưởng thấp này làm cho kinh tế cả nước chỉ tăng trưởng được 1,81%, bởi từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng của thành phố cao hơn 1,3 - 1,5 lần cả nước.

Để đảm bảo động lực cho tăng trưởng kinh tế của đầu tầu kinh tế này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần phải kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn nữa, vì tiêu dùng chiếm tới 60% Tổng sản phẩm trên địa bàn và thành phố là trung tâm tiêu dùng lớn nhất cả nước. Do đó tăng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, bất động sản và du lịch ở đây sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra khắp cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một vấn đề dù khó đến đâu nhưng nếu chỉ theo cách "biết thì làm bí thì bỏ" sẽ khiến mọi việc bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển. Trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố chiếm tới 1/5 cả nước nên nếu không thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và của cả tư nhân cũng như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Với tinh thần cuộc tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 45 năm, Thủ tướng tin tưởng sâu sắc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố mang tên Bác sẽ thực hiện được lời hứa giải ngân được 100% vốn đầu tư công của năm nay và đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn gấp từ 1,3 lần mức tăng trưởng trung bình của cả nước.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Người đứng đầu thiếu quyết liệt, sâu sát Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Người đứng đầu thiếu quyết liệt, sâu sát

VTV.vn - Tổng vốn đầu tư công trong cả nước năm nay là 470.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, con số đã giải ngân chỉ đạt 34,96%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước