7 tháng năm nay, giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong giai đoạn 5 năm qua, hơn 200.000 tỷ đồng đã được đưa vào nền kinh tế, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2019. Sự quyết liệt của Chính phủ đã trở thành chương trình hành động tại nhiều Bộ ngành, địa phương.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, cứ 15 ngày, các Bộ ngành, địa phương sẽ phải họp giao ban kiểm điểm và báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh. So với 6 tháng đầu năm, chỉ trong tháng 7, kết quả giải ngân đầu tư công đã có những thay đổi đáng kể.
Hết 6 tháng, vốn đầu tư công mới giải ngân được khoảng 35%. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, đến cuối tháng 7 vừa qua, con số này đã tăng lên gần 43% kế hoạch năm, tương đương hơn 200 nghìn tỷ đồng đã được đưa ra nền kinh tế thông qua các dự án.
Trong tháng 7, kết quả giải ngân đầu tư công đã có những thay đổi đáng kể. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)
So với cùng kỳ, kết quả giải ngân 7 tháng năm nay đã tăng lên đáng kể. Nguyên nhân được cho là do có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khiến tinh thần "rốt ráo" giải ngân vốn đầu tư công lan tỏa và trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các đơn vị phải thực hiện. Cùng với đó, việc gắn trách nhiệm cho người đứng đầu của các Bộ ngành, địa phương trong việc kiểm tra, cập nhật tiến độ giải ngân nửa tháng 1 lần, thậm chí đến từng dự án cũng mang lại cải thiện rõ nét ở nhiều địa phương.
Cũng bắt đầu từ tháng 8 này, Chính phủ sẽ thực hiện việc điều chuyển vốn từ những bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân thấp sang các đơn vị làm tốt hơn. Từng Bộ ngành, địa phương cũng sẽ áp dụng phương án này cho các dự án mà mình đang quản lý nhằm đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả.
Rốt ráo giải ngân vốn đầu tư công tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam vừa chuyển đổi hình thức đầu tư
Đứng đầu về số vốn đầu tư công phải giải ngân trong năm nay với hơn 39.000 tỷ đồng, Bộ GTVT cho biết, đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân đã đạt trên 40%. Đặc biệt, với dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam, mới đây Quốc hội đã cho phép chuyển đổi thêm 3 dự án thành phần từ đầu tư theo hình thứ PPP sang đầu tư công và phải phấn đầu khởi công vào cuối tháng 9 tới theo yêu cầu của Thủ tướng. Do đó, Bộ GTVT đang phải gấp rút cùng các địa phương giải ngân để có mặt bằng sạch cho các dự án.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể hoàn thành vào năm 2021. (Ảnh: Báo Đầu tư)
2 trong 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công do Ban Quản ly dự án Thăng Long làm chủ đầu tư. Đại diện Ban Thăng Long cho biết, đến thời điểm này đã giải ngân được trên 85% mặt bằng. Mặc dù phần mặt bằng còn lại không nhiều nhưng lại khá phức tạp và khó khăn, do đó Ban phải xắn tay cùng các địa phương để gấp rút thực hiện.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đối với các dự án thành phần được chuyển sang đầu tư công, không chờ đến khi có toàn bộ mặt bằng mới khởi công, mà gói thầu nào có mặt bằng sẽ triển khai ngay. Việc sớm khởi công cũng sẽ tạo điều kiện để các đơn vị tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công cho công tác xây lắp trên hiện trường.
Nhiều địa phương cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công
Về phía các địa phương, 7 tháng năm nay, nhiều địa phương có số vốn giao lớn nhưng tỷ lệ thực hiện khá tích cực. Ngay sau khi 7 tổ công tác đặc biệt gỡ vướng cho công tác giải ngân vốn đầu tư công được thành lập, Thủ tướng, các phó Thủ tướng và Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành cũng đã liên tục làm việc với các địa phương để đốc thúc nhiệm vụ này. Không ít các địa phương đã đưa ra cam kết sẽ giải ngân 100% vốn kế hoạch của năm nay. Dẫn đầu về số vốn giải ngân từ đầu năm đến nay là Hà Nội, TP.HCM, với mức tăng so với cùng kỳ năm 2019, lên tới 73%.
Lũy kế 7 tháng, TP.HCM đã giải ngân hơn 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công bằng gần 36% kế hoạch năm và tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Theo thành phố, có được kết quả này nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương và việc khẩn trương triển khai áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
5 tháng cuối năm, cả nước sẽ phải thực hiện giải ngân 57% số vốn đầu tư công còn lại, tương đương hơn 360.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)
Mới đây, làm việc với lãnh đạo Chính phủ và các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về công tác giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa đều nhấn mạnh giải pháp gắn trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác giải ngân đầu tư công là chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị… đã mang lại những cải thiện rõ nét trong việc giải ngân.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân, công tác lựa chọn dự án cũng sẽ được thay đổi theo hướng ưu tiên các dự án đóng vai trò quan trọng, cấp bách cho phát triển chung của địa phương, của vùng để khi giao vốn sẽ được thực hiện ngay, tránh tình trạng cứ xin vốn rồi để đó. Đồng thời, công tác rà soát để điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang cho các dự án triển khai tốt cũng sẽ được tăng cường.
Như vậy, 5 tháng cuối năm, cả nước sẽ phải thực hiện giải ngân 57% số vốn đầu tư công còn lại, tương đương hơn 360.000 tỷ đồng để đạt được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ liên tục nhấn mạnh trong các hội nghị thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là phải giải ngân hết 100% vốn kế hoạch của năm nay và các năm trước chuyển sang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!