Nhiều công trình phải tạm dừng thi công ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/7, cả nước đã giải ngân hơn 216.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 35% kế hoạch.
Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam... Tuy nhiên, vẫn còn 10 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%, đáng chú ý có đơn vị chưa giải ngân đồng vốn nào, như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng cho biết có 12 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% và có 24 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%.
Đến ngày 31/7, cả nước đã giải ngân hơn 216.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Nguyên nhân giải ngân chậm được Bộ Tài chính chỉ ra là do chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu; thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu… dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án và cập nhật giá gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu của các dự án bị triển khai chậm.
Bên cạnh đó, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Năng lực nhà của một số nhà thầu hạn chế…
Ngoài ra, do đại dịch COVID-19, các chuyến bay thương mại chưa có nên chuyên gia nước ngoài chưa tới được, nguồn vật tư cũng bị đứt đoạn, nhiều công trình phải tạm dừng thi công ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tư công chậm sẽ khiến quá trình phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn hơn và kéo theo nhiều hệ lụy khác như: Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn, các dự án phải trả chi phí cao hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!