Robot phủ khắp ngành nghề trong 5 năm tới?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 05/11/2022 06:09 GMT+7

VTV.vn - Theo GrandView Research, robot tự động sẽ phủ khắp toàn thế giới trong vòng 5 năm tới trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của chuyển đổi số, tự động hóa. Gần đây, khi vào một nhà hàng, họ đã sử dụng robot để đưa đồ ăn đến từng bàn.

Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tốc độ số hóa của doanh nghiệp đã nhảy vọt, nhanh hơn 7 năm so với dự kiến.

Nhiều giải pháp số hóa đã được ghi nhận và đạt giải thưởng Taiwan Excellence - Giải thưởng thường nên tôn vinh các doanh nghiệp có những bước tiến xuất sắc trong nghiên cứu và phát triển, chất lượng, thiết kế và sản xuất, đã được ứng dụng tại hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn cầu… Chính những giải pháp này đã mang lại hiệu quả kinh tế nhìn thấy rõ.

Robot phủ khắp ngành nghề trong 5 năm tới? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Những robot khử trùng bằng tia cực tím UVC đang dần trở nên thân quen hơn trong các văn phòng, sân bay, bệnh viện hay triển lãm trên toàn thế giới sau đại dịch COVID-19. Tự động hóa là yếu tố then chốt khiến các doanh nghiệp sử dụng robot trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh về hô hấp tại những nơi đông người.

"Điều tuyệt vời nhất là những con robot như thế này làm việc 24/7, chúng làm việc được cả tuần. Không cần tới nhân viên y tế, chúng tự vận hành theo kế hoạch", ông Danilo Calderon, Quản lý an sinh xã hội tại bệnh viện IESS Quito SUR, Ecuador, chia sẻ.

Theo GrandView Research, không chỉ dừng lại ở những con robot này, robot tự động sẽ phủ khắp toàn thế giới trong vòng 5 năm tới trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.

"Khách hàng của chúng tôi là những trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện và doanh nghiệp. Họ tận dụng các robot của chúng tôi cho các công việc từ đơn giản, lặp đi lặp lại hàng ngày cho tới các công việc nguy hiểm. Họ tin rằng robot sẽ hỗ trợ, cải thiện chất lượng công việc và cuộc sống. Với tốc độ tăng trưởng được dự báo là 43% mỗi năm, các robot tự hành, tự động hóa bằng robot sẽ trở thành một bình thường mới trong đời sống", ông Dominic Huang, Phó Tổng Giám đốc Wistron, cho biết.

Tự động hóa giúp giảm bớt nhân lực

Ngoài robot, các giải pháp tự động hóa cũng đang được nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí vận hành và đóng góp vào các mục tiêu bảo vệ môi trường.

Ví dụ như hệ thống hiển thị bảng giá tự động. Tại Pháp, hơn 1,5 triệu thiết bị này đã được sử dụng tại các hệ thống nhà thuốc. Sản phẩm có màn hình giấy điện tử thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ mạng IOT của M2COMM. Nó có thể thay thế các nhãn giấy hoặc biển báo cũ bằng màn hình kỹ thuật số trên các thiết bị chạy bằng pin. Chỉ bằng 1 cú nhấp chuột, các bảng hiển thị đã được cập nhật nhanh chóng, thay vì cần tới nhiều nhân viên làm việc hàng giờ để thay bảng giá. Mọi thông tin của sản phẩm có thể được đồng bộ hóa từ kho lưu trữ dữ liệu đến các kệ hàng. Điều này đáp ứng quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong các lĩnh vực ứng dụng như bán lẻ, y tế, logistics.

"Hiện chỉ một vài doanh nghiệp cung cấp được loại nhãn điện tử như vậy do hệ thống phức tạp và khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng. Nhưng thị trường có nhu cầu rất cao với hệ thống này do xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số kể từ thời COVID-19. Tốc độ tăng trưởng của bảng ghi nhãn điện tử khoảng 18 - 23% hàng năm", ông Derrick Wei, Chủ tịch Tập đoàn M2 Communication, cho hay.

Làm việc từ xa được doanh nghiệp ưa chuộng

Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, xu hướng làm việc từ xa vẫn phổ biến. Một số báo cáo dự đoán, tới năm 2023, 25% tổng số công việc văn phòng tại Mỹ có thể được chuyển sang làm việc từ xa, con số này tại Anh là 24%.

Theo tạp chí Forbes, các doanh nghiệp toàn cầu đang tiến tới kết hợp cho nhân viên văn phòng làm từ xa và tại văn phòng để giảm chi phí thuê mặt bằng, cũng như tiết kiệm thời gian di chuyển cho nhân viên và tăng hiệu suất lao động. Điều này tạo động lực cho thị trường thiết bị hỗ trợ công việc như camera, hệ thống họp trực tuyến hay máy ảnh tài liệu. Chỉ riêng thị trường video trực tuyến được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 11,3% mỗi năm.

"Tôi làm việc từ xa và đã sắm cho mình 1 chiếc mic thu tiếng, một chiếc camera có thể điều chỉnh góc. Tôi thấy rất mình chỉ cần có đủ thiết bị là có thể làm việc ở nhà như vậy rất thoải mái", anh Tom, người dân Anh, chia sẻ.

Robot phủ khắp ngành nghề trong 5 năm tới? - Ảnh 2.

Theo Forbes, các doanh nghiệp toàn cầu đang tiến tới kết hợp cho nhân viên văn phòng làm từ xa và tại văn phòng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

"Việc gọi video trực tuyến là cách để cho những người khác được nhìn thấy những gì bạn đang nhìn thấy. Nhu cầu về chất lượng cuộc gọi video gia tăng, vì thế nhiều người tìm mua các sản phẩm như máy ảnh tài liệu gọn nhẹ, chất lượng, dễ sử dụng và bền. Ví dụ như ở Mỹ, đó là sản phẩm phổ biến hàng đầu sử dụng trong các trường học", ông Aaron Lee, Chủ tịch IPEVO, cho biết.

Theo IPEVO, đơn vị giải pháp công nghệ cho cuộc gọi video trực tuyến, quy mô thị trường máy ảnh tài liệu dự kiến đạt 610,72 triệu USD vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 7,89%.

Thực tế ảo tiếp tục phát triển mạnh

Không chỉ cho phép nhân viên làm việc từ xa, trong tương lai nhiều công việc cũng sẽ được áp dụng thực tế ảo. Công nghệ này sẽ thay đổi tính chất công việc của chúng ta.

Thị trường công nghệ thực tế ảo được dự đoán sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2024. Các kiến trúc sư, nhà thiết kế, các nhà quảng cáo đang tăng cường sử dụng các ứng dụng thực tế ảo vì nó giúp họ truyền tải thông điệp họ muốn đưa tới người xem. Ví dụ Mind and Idea Fly, ứng dụng thiết kế thực tế ảo đang ghi nhận số lượt tải về ấn tượng. Ứng dụng sử dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu, nhờ thế thiết kế thực tế ảo có thể được tạo ra chỉ bằng những bản vẽ 2D đơn giản, giúp tạo hình và phục vụ công việc thuyết trình.

Ứng dụng thực tế ảo cũng được dự báo sẽ trở nên phổ biến trong ngành giáo dục khi ứng dụng cho phép người dùng sử dụng dễ dàng, không cần tới việc học ngôn ngữ lập trình.

Theo Global Wire, bằng cách sử dụng tự động hóa quy trình làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, vào năm 2026, thị trường này sẽ đạt giá trị 1,6 tỷ USD. Đây là cơ hội tốt để người dân, doanh nghiệp cùng thay đổi để đáp ứng nhu cầu của phát triển của cách mạng 4.0.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước