Rủi ro từ mô hình cho thuê nhà “miễn phí”

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 01/06/2024 09:53 GMT+7

VTV.vn - Cùng với sự bùng nổ bong bóng, hàng loạt hệ lụy tiêu cực đã xuất hiện từ mô hình cho thuê nhà “miễn phí” tại Hàn Quốc mà phổ biến nhất là tình trạng lừa đảo.

Ứng phó với các khó khăn, nhiều người dân Hàn Quốc, đặc biệt là người trẻ đã lựa chọn hình thức thuê nhà dài hạn độc đáo "miễn phí tiền thuê hàng tháng". Tuy nhiên những năm gần đây, mô hình này đã cho thấy hàng loạt lỗ hổng và mang tới nhiều rủi ro cho người dân.

Từ vài năm qua, từ khóa Jeonse đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu ở xứ sở kim chi. Là một hình thức thuê nhà độc đáo riêng có ở Hàn Quốc, mô hình này yêu cầu người thuê đặt cọc trước khoản tiền lớn, lên tới 50 - 70% giá trị ngôi nhà. Tới khi hết hợp đồng, họ sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền cọc đã đóng ban đầu.

Hình thức này được xem là có lợi cho cả 2 phía, bởi người thuê nhà được ở dài hạn và không phải chịu gánh nặng tiền thuê hàng tháng, trong khi người cho thuê xem như được vay một khoản tiền đáng kể không mất lãi để đầu tư.

Rủi ro từ mô hình cho thuê nhà “miễn phí”  - Ảnh 1.

Quảng cáo jeonse được dán trên cửa sổ trước một văn phòng bất động sản ở Seoul. Ảnh: Yonhap

Jeonse hiện được quan tâm nhất ở nhóm người trẻ 20 - 30 tuổi - vốn chịu bất lợi lớn từ giá nhà cao kỷ lục ở Hàn Quốc. Tuy nhiên cùng với sự bùng nổ bong bóng, hàng loạt hệ lụy tiêu cực đã xuất hiện, mà phổ biến nhất là tình trạng lừa đảo.

Anh Park - một người đi thuê nhà jeonse, đã mất chỗ ở và toàn bộ số tiền tích cóp trị giá 100 triệu Won, khoảng 1,8 tỷ đồng, khi phát hiện ra rằng, người mà anh đưa khoản tiền này để đặt cọc không phải là chủ căn nhà.

"Sau khi bị lừa, giấc mơ sở hữu một căn nhà của tôi đã tan biến. Tôi chán nản đến mức còn chẳng dám nghĩ tới việc lập gia đình và sinh con", anh Park Hyein-Su - nạn nhân bị lừa đảo thuê nhà cho biết.

Giới chức Hàn Quốc ghi nhận, tổng số tiền thiệt hại từ lừa đảo liên quan đến jeonse đã lên tới trên 1 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu là ở người trẻ.

Một thách thức khác là vấn đề nợ. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc BOK, tính tới đầu năm 2023, tổng các khoản vay để đặt cọc thuê nhà Jeonse đã lên tới 132 tỷ USD - chiếm 10% tổng nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc. Đó là chưa kể với tình trạng bất động sản đóng băng hiện nay, người thuê còn chịu rủi ro từ việc chủ nhà mất khả năng trả lại tiền cọc. Nhiều người đã lên tiếng cho rằng, cần có sự cải cách mang tính bước ngoặt.

Anh Jung Tae-Un - nạn nhân bị lừa đảo thuê nhà cho biết: "Mô hình Jeonse nên được thay thế bằng các loại quỹ khác, cho phép người thuê nhà đặt cọc một các an toàn. Tôi cho rằng một mô hình mà người thuê phải đưa một khoản tiền quá lớn cho một chủ nhà xa lạ, chỉ biết nhau qua môi giới bất động sản thì không nên tồn tại".

Giới chức Hàn Quốc hiện đã và đang đưa ra một số biện pháp nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo, cũng như siết chặt kiểm soát với các hợp đồng Jeonse. Tuy nhiên, hiện còn những tranh cãi về trách nhiệm của người đi thuê nhà trong các vụ việc lừa đảo, cũng như việc xử lý nợ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng tín dụng tại Hàn Quốc trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước