Sắc xanh đã bao trùm sàn giao dịch chứng khoán Mỹ trong phiên ngày 10/8. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, khi đánh giá kỹ tình hình, các chuyên gia cho rằng dù lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, nhưng vẫn còn không ít những mối lo phía trước.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/8), sắc xanh đã bao trùm sàn giao dịch chứng khoán Mỹ tại thành phố New York. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số chính chỉ tăng điểm nhẹ.
Mức tăng tích cực nhất thuộc về chỉ số Dow Jones, tăng 0,15%, tương đương gần 53 điểm, chốt phiên ở 35.176,15 điểm. Trong phiên giao dịch, có những thời điểm chỉ số này đã tăng tới hơn 400 điểm, tuy nhiên bắt đầu giảm dần từ nửa cuối phiên, sau khi các nhà đầu tư xem xét kỹ hơn dữ liệu lạm phát tháng 7 mới công bố.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,03%, đạt 4.468,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,12%, đạt 13.737,99 điểm.
Đêm 10/8, Cục Thống kê Lao động của Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 và số liệu chính thức cho thấy CPI của Mỹ đã tăng thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Trong tháng 7, CPI của Mỹ tăng 0,2% so với tháng 6, và nếu so với cùng kỳ năm 2022, CPI tăng 3,2%, thấp hơn mức dự báo 3,3% từ các chuyên gia.
Chỉ số CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự báo tăng 4,8% của các chuyên gia do cuộc thăm dò do Dow Jone tổ chức.
Dù giá dầu thô tăng mạnh trong tháng 7, nhưng giá năng lượng chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, còn giá ô tô qua sử dụng, giảm 1,3%, giá dịch vụ y tế giảm 0,4% so với tháng trước.
Nhờ lạm phát hạ nhiệt trong nhiều tháng qua, tiền lương thực tế của người lao động cũng tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Nhìn chung lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt so với mức đỉnh của năm ngoái, nhưng vẫn còn cao hơn so với mục tiêu 2% của FED. Trong khi các chuyên gia đang còn ý kiến khác nhau về việc FED có tăng lãi suất trong tháng 9 hay không, lại tương đối thống nhất trong nhận định cần giữ lãi suất ở mức cao như hiện nay.
FED có thể “hạ cánh mềm”?
Hiện đa phần các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ nguyên lãi suất từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng và cho rằng cần thêm các dữ liệu kinh tế tích cực từ nay cho đến trước cuộc họp tháng 9 mới đủ để FED tin rằng mức lãi suất hiện tại đã đủ để khống chế tình hình lạm phát.
Thực tế đang cho thấy, chỉ số CPI lõi của tháng 7 vẫn tăng 4,7%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED. Bên cạnh đó, giá dầu có xu hướng nhảy vọt trong thời gian qua cũng là một yếu tố khiến FED phải thận trọng hơn.
Một số công cụ theo dõi lãi suất đều điều chỉnh dự báo về khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 9, sau khi dữ liệu lạm phát tháng 7 được công bố. Theo công cụ FedWatch của CME group, khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đang là 9,5%, giảm còn khoảng một nửa so với tuần trước, và có tới 80% khả năng lãi suất sẽ bắt đầu được cắt giảm từ tháng 3 năm tới.
Hiện nay, một số quan điểm vẫn thận trọng khi dự báo về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận việc FED đang có khả năng tiếp cận gần hơn với mục tiêu hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!