Sàn thương mại điện tử sẵn sàng kết nối dữ liệu với cơ quan thuế

Chinh Vũ-Thứ hai, ngày 10/01/2022 17:38 GMT+7

VTV.vn - Một số doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết đã sẵn sàng về nguồn dữ liệu, cũng như bố trí nhân sự riêng để thực hiện quá trình kết nối thông tin với cơ quan thuế.

Từ 1/1/2022, Thông tư 100 sửa đổi Thông tư 40 của Bộ Tài chính về quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chính thức có hiệu lực, trong đó có những điểm mới thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh về quản lý thuế trên thương mại điện tử.

Thông tư 100 đã không còn quy định bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên các chủ chợ trực tuyến phải có phương thức kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Ghi nhận thực tế tại doanh nghiệp, việc kết nối dữ liệu vẫn chưa thể triển khai ngay, mà phải đợi hướng dẫn cụ thể hơn.

Đại diện một doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết đã sẵn sàng về nguồn dữ liệu, cũng như bố trí một số nhân sự riêng để thực hiện quá trình kết nối thông tin với cơ quan thuế. Tuy nhiên hiện tại sàn vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể hơn.

Sàn thương mại điện tử sẵn sàng kết nối dữ liệu với cơ quan thuế - Ảnh 1.

Thông tư 100 đã không còn quy định bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Cơ quan thuế yêu cầu những dữ liệu cụ thể. Mình chọn lọc dữ liệu, thống nhất với nhau về phương thức truyền thông tin, cái đó cũng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của cơ quan thuế. Ddùng phần mềm nào và truyền kiểu gì, quy trình đó cũng mất khá nhiều thời gian", ông Bùi Văn Hoàng, Quản lý Thuế, Tiki, cho biết.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng cần có những cơ chế rõ ràng để đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu của doanh nghiệp, đặc biệt trong trường hợp cơ quan thuế yêu cầu phương thức kết nối trực tiếp vào cổng dữ liệu của sàn.

"Dữ liệu hiện nay trên các sàn sẽ có các thông tin định danh khách hàng và các thông tin khác thuộc bí mật kinh doanh, để có sự yên tâm, đảm bảo, chịu trách nhiệm về việc sử dụng dữ liệu đấy đúng mục đích, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, cho hay.

Đại diện Tổng Cục Thuế cũng cho rằng hiện mỗi ngày có đến 3,5 triệu giao dịch thương mại điện tử. Phương án kết nối dữ liệu với cơ quan thuế sẽ đòi hỏi thời gian, gây tốn kém chi phí và nhân lực. Thay vào đó, các sàn có thể lựa chọn cách mà cơ quan này cho là đơn giản hơn, là đứng ra kê khai, nộp thuế thay dựa trên ủy quyền của cá nhân kinh doanh.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia, việc kê khai nộp thuế thay sẽ không phải là sự lựa chọn của số đông.

"Việc kê khai, nộp thuế thay nhà bán hàng sẽ là rất thách thức với doanh nghiệp thương mại điện tử, vì tính chất phức tạp của hàng nghìn giao dịch khác nhau trên sàn. Chưa kể đến những rắc rối phải xử lý, chi phí phát sinh nếu xác định sai khoản thuế nộp thay", ông Dean Rolfe, Giám đốc Phụ trách Thuế Quốc tế, KPMG Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.

Hiệp hội Thương mại Điện tử khuyến nghị cơ quan thuế có thể lựa chọn ra một số doanh nghiệp thương mại điện tử phù hợp để thử nghiệm việc kết nối dữ liệu, trước khi áp dụng đại trà, bởi tính chất, quy mô, công nghệ của các sàn hiện nay có nhiều khác biệt.

Các thương hiệu “vượt bão” COVID-19 nhờ thương mại điện tử Các thương hiệu “vượt bão” COVID-19 nhờ thương mại điện tử

VTV.vn - "Con thuyền" thương mại điện tử đã giúp các thương hiệu "vượt bão" COVID-19 trong suốt năm qua, ngay cả trong những thời điểm thách thức nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước