Sản xuất phục hồi tạo đà cho tăng trưởng năm 2022

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/03/2022 20:51 GMT+7

VTV.vn - 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi, tăng trưởng nhanh trở lại.

Đáng chú ý, sức bật trở lại của các doanh nghiệp nhờ những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhờ vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng thứ 4 tăng liên tiếp. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính. Hai tháng qua cũng đã có hơn 22.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Với số vốn đầu tư 200 triệu USD, đi vào hoạt động vào cuối năm 2021, Công ty TNHH USI Việt Nam chuyên sản xuất bản mạch điện tử thu nhỏ của đồng hồ, điện thoại, tai nghe với công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Ngay trong quý 1 này, 2.000 công nhân đã được lấp đầy để tiến hành sản xuất thử vào quý 2 và sản xuất hàng loạt vào quý 3, đảm bảo công suất lên tới 14 triệu sản phẩm một năm.

Sản xuất phục hồi tạo đà cho tăng trưởng năm 2022 - Ảnh 1.

Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 110 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi có lợi thế về nguồn nhân lực, kỹ sư, quản lý ngay trên địa bàn. Việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn TP Hải Phòng và sự thông thoáng trong vận chuyển hàng hóa logistics, máy móc, trang thiết bị đã giúp doanh nghiệp chúng tôi đảm bảo kế hoạch giai đoạn 1 của dự án, tăng nhanh tiến độ sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa trước sự cạnh tranh cao độ của ngành dịch vụ sản xuất điện tử hiện nay", ông Hiumin Liu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH USI Việt Nam, cho biết.

Kể từ khi Nghị quyết 128 ban hành, chỉ số sản xuất công nghiệp liên tiếp tăng cho thấy tính ổn định của các nhà máy và người lao động đã yên tâm trở lại sản xuất, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện...

"Đến tháng 1 năm nay, thật đáng ngạc nhiên rằng số lượng nhà đầu tư quan tâm đến khu công nghiệp của chúng tôi ở Quảng Ninh và Hải Phòng đã tăng lên gấp đôi. Nhiều công ty lớn trên thế giới và họ chia sẻ đã tăng gấp đôi quy mô đầu tư so với trước đây. Đây là sự khởi đầu tích cực nhất để đối thoại lại với những nhà đầu tư tiềm năng trước đây. Trên hết, chúng tôi vẫn có thể duy trì các hoạt động kinh doanh bình thường", ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng, chia sẻ.

Việc nối lại chuỗi cung ứng của các nhà máy ngành nghề chủ lực của Việt Nam ngay quý 1 đang giúp tháo gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Kết quả khả quan này đã tạo đà cho hoạt động sản xuất trong những tháng tiếp theo.

"Chính phủ Việt Nam đã có bước chuyển hướng rất kịp thời. Tỷ lệ phủ vaccine nhanh khiến cho những tổn hại về kinh tế lúc đó là có, nhưng nhanh chóng được giải quyết. Đó là lý do cho việc không suy yếu sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong khi đó nền tảng kinh tế ổn định, vị thế thương mại củng cố với các FTA chất lượng cao giúp kinh tế vẫn tăng trưởng dương, trong khi các nước mới nổi khác không có tăng trưởng, hoặc ở mức thấp hơn", bà Sagarika Chandra, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings, nhận định.

Các báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu nhận định, trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, chi phí sản xuất lớn, những nút thắt trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ, hoạt động thông suốt của các nhà máy đã tiếp tục hấp dẫn các dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam.

Tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu mới

Sản xuất phục hồi đã tạo đà cho thương mại phát triển. Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 110 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng được Bộ Công Thương đánh giá là tích cực trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam xuất siêu sang thị trường châu Âu 5,5 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ. Kết quả này có được là nhờ thời gian qua, các doanh nghiệp, ngành hàng đã tích cực tận dùng thời cơ, tìm kiếm những đơn hàng mới.

Niên giám Da giày thế giới vừa được công bố đã cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu da giày. Lần đầu tiên, Việt Nam chiếm hơn 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, tăng gấp 5 lần so với cách đây 10 năm.

Công ty TNHH Giày Trường Xuân cho biết, báo cáo vừa công bố đã phản ánh phần nào tình hình kinh doanh của đơn vị, từ năm ngoái đến nay, lượng đơn hàng đã tăng 30%. Thời gian qua, doanh nghiệp đã không ngừng phát triển những mẫu mã mới để tìm kiếm đơn hàng, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

"Khách hàng mới hiện nay đang đến từ thị trường châu Âu và Mỹ là số lượng lớn nhất. Họ dịch chuyển từ một số thị trường truyền thống trước đây, đặc biệt là thị trường Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, từ vụ đầu năm 2021 đến nay là rất lớn", ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty TNHH Giày Trường Xuân, cho hay.

Cơ hội cũng là thách thức. Đơn hàng nhiều, nhưng 70% công nhân lại đang phải nghỉ vì là F0, F1.

Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng trưởng gần 21% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp chia sẻ, gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp tái tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp để đón bắt cơ hội từ thị trường. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng đang được tính toán để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của chúng ta đang nhập nguyên liệu từ Trung Quốc thông qua đường bộ. Thời điểm này rất khó khăn. Về lâu dài, chúng ta cần chuyển sang nhập đường biển, thời gian lâu hơn, nhưng khối lượng nhập được lớn hơn và dự trữ được nhiều hơn", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá.

Dịch bệnh chưa qua đã lại xuất hiện những bất ổn về địa chính trị. Tuy nhiên, năng lực thích ứng của các doanh nghiệp Việt cũng đã được thử thách và tôi luyện trong thời gian qua. Từng doanh nghiệp thích ứng tốt sẽ là tạo ra sức đề kháng mạnh mẽ cho cả nền kinh tế trước những thách thức từ thị trường.

Thúc đẩy sản xuất đảm bảo tăng trưởng

Được ví như "chiếc lò xo bị nén", sang đầu năm nay, kinh tế Việt Nam đã bật dậy và tăng trưởng mạnh mẽ.

Hiện Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực và thế giới về độ phủ vaccine phòng COIVID-19. Cùng với đó, chương trình phục hồi kinh tế đang được triển khai đã tạo cơ hội cho cả nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng ngay từ những ngày đầu năm. Đây là nhận định chung của nhiều định chế tài chính và các chuyên gia kinh tế quốc tế.

Sản xuất phục hồi tạo đà cho tăng trưởng năm 2022 - Ảnh 2.

Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng trưởng gần 21% so với cùng kỳ. (Ảnh: TTXVN)

"Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc ngay khi mở cửa trở lại. Do vậy chúng tôi cũng đánh giá quý 1 là giai đoạn các nhà máy có thể quay trở lại hoạt động hết công suất nhờ Chính phủ đã đưa ra chương trình kích thích kinh tế kịp thời. Sự phục hồi sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn khi sang đầu quý 2 các đơn hàng dồi dào và đối tác định hình lại chuỗi sản xuất. Mức tăng trưởng từ 6,5% của Việt Nam là rất khả quan trong năm nay", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết.

"Chúng tôi dự báo thế giới sẽ có một chu kỳ đầu tư vốn lớn diễn ra trên diện rộng, đảm bảo nhu cầu vi mạch, điện tử công nghiệp sẽ duy trì mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Quá trình dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu đang được đẩy nhanh và định hình lại. Nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn về chi phí, nhân công… và giờ là khả năng hấp thụ công nghệ và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nói.

"Động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế rất quan trọng là thương mại. Đến nay, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu. Theo nghiên cứu của ADB, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định thương mại như RCEP, CPTPP", ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, nhận định.

Cũng theo các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư, việc Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành đầu năm nay với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... cho thấy, Chính phủ đã nhìn nhận đúng thời điểm tung ra các biện pháp hỗ trợ quyết liệt chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đồng thời gắn với các tư duy mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Điều này thể hiện rõ là cách làm mới, cơ cấu mới, thích ứng với những biến động quốc tế trong tình hình mới.

Hoạt động sản xuất của Việt Nam tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp Hoạt động sản xuất của Việt Nam tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp

VTV.vn - Hoạt động sản xuất và dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp. Điều này thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI, một chỉ số đo lường sản xuất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước