Khi Uber và Grab về chung một nhà, cả tài xế lẫn người tiêu dùng đều có băn khoăn cho quyền lợi của riêng mình. Còn taxi truyền thống thì ngay lập tức đã lên tiếng là: Khi thị trường chỉ còn mình Grab thì sẽ ngày càng nguy hiểm hơn".
Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ GTVT vừa mới xong việc định danh cho Grab và Uber là taxi ứng dụng công nghệ, tức là một loại hình taxi, trong dự thảo Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải, thì lại ngay lập tức có thêm hàng loạt các vấn đề cần giải quyết sau vụ sáp nhập.
Lúc này, câu chuyện ở đây là khi hai hãng nhập một, với quy mô phình to, làm thế nào để tính được thị phần, từ đó xác định xem có vi phạm độc quyền theo quy định của Luật Cạnh tranh hay không?. Vì hiện tại, Grab chỉ lấy lại 20% trên tổng doanh thu, số còn lại chia cho các đối tác. Vậy nên, việc xác định thị phần dựa trên doanh thu là rất khó. Nhưng, theo các chuyên gia, khi sáp nhập thêm Uber, nhìn vào quy mô về số lượng phương tiện hoạt động trên thị trường thì không loại trừ khả năng có dấu hiệu độc quyền.
Câu hỏi việc sáp nhập có dấu hiệu vi phạm Luât Cạnh tranh hay không cũng được chính Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đặt ra. Ngay trong chiều 27/3, đơn vị này đã gửi công văn yêu cầu Grab cung cấp thông tin để làm rõ.
Theo văn bản này, trên nguyên tắc để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép cơ quan cạnh tranh của các nước tại Đông Nam Á có quy định này. Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương cho biết: "Sau khi Grab gửi báo cáo đầy đủ về vụ việc này, chúng tôi sẽ xem xét, phân tích và đánh giá thương vụ mua bán trên có đúng theo quy định của pháp luật cạnh tranh hay không. Thời hạn cuối cùng để cung cấp thông tin là trước ngày 3/4".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!