Dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt mức 10 tỷ USD
Chia sẻ thông tin tại Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc sáng ngày 19/9, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Trung Quốc là hiện thị trường tiềm năng số 1 về xuất khẩu sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. "Từ tháng 8/2024, Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phép phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này. Đây là cơ hội "vàng" đối với trái sầu riêng, qua đó, ngành hàng sẽ được nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi", ông Hiếu phân tích.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.
Đáng chú ý, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo ước tính, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD. Dự kiến vài năm tới, kim ngạch xuất khẩu vua trái cây sang thị trường tỷ dân sẽ vượt mức 10 tỷ USD.
Tự tin với những dự đoán khả quan, các chuyên gia đánh giá về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh. Theo đó, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, xu hướng người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác nên sẽ được ưa chuộng trong thời gian tới.
Tại hội thảo, thông tin thêm về nhiệt độ và thời gian bảo quản thích hợp sầu riêng đông lạnh, theolãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, trong bản dự thảo đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu bảo quản lạnh trong 8 giờ đồng hồ. Tham khảo quy định của Thái Lan, Malaysia, Việt Nam đưa ra phương án bảo quản lạnh -18 độ trong 1 giờ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ lạnh sâu, nhanh. Công nghệ này hiện đại, giữ được sầu riêng tươi ngon lâu.
Cần chú ý điểm mấu chốt: Sầu riêng đông lạnh được coi như “thực phẩm”
Nhiều cơ hội để tăng trưởng kim ngạch là thế, nhưng trái sầu riêng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn và rào cản tại thị trường Trung Quốc. Nhất là những quy định về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. "Một trong những điều khác biệt của sầu riêng đông lạnh, đó là việc mặt hàng này được coi như “thực phẩm” nên phải tuân thủ Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp của nước ngoài khi xuất khẩu hàng nông sản làm thực phẩm vào thị trường này (Lệnh 248)", ông Hiếu cho hay.
Theo quy định của Trung Quốc, các doanh nghiệp, đơn vị muốn xuất khẩu phải đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận. Đối với sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý ATTP hiệu quả. Kho chứa lạnh cần đáp ứng tiêu chuẩn, cũng như chất lượng nước, hơi nước dùng trong quá trình sản xuất phải đảm bảo.
Sau khi nhận hồ sơ từ doanh nghiệp, GACC sẽ thẩm tra, xử lý hồ sơ và thông báo kết quả trên hệ thống CIFER. Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẽ nhận được số đăng ký tại Trung Quốc. Giấy phép đăng ký có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp...
Bàn về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, Trung Quốc có quy định rất rõ ràng và chặt chẽ nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường 1,4 tỷ dân thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, theo thông tin đưa ra tại hội thảo, những năm gần đây, Trung Quốc đã nghiên cứu trồng thành công sầu riêng thương mại, với diện tích và sản lượng ngày càng tăng. Diện tích trồng sầu riêng hiện nay ở Hải Nam là gần 2.700 ha, chủ yếu tập trung ở các địa phương phía Nam hòn đảo này như Tam Á, Bảo Bình, Lạc Đông và Lăng Thủy. Ước tính diện tích cây sầu riêng cho thu hoạch năm nay khoảng 270 ha, cho sản lượng từ 150 - 200 tấn. Mùa thu hoạch sầu riêng của Hải Nam kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, cao điểm là vào tháng 7 hàng năm.
Theo nhận định của các chuyên gia, diện tích cũng như năng suất sầu riêng Trung Quốc còn hạn chế và vẫn chưa ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu sầu riêng của các nước, trong đó có Việt Nam vào thị trường nước này. song, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Nam cũng cần phải có chiến lược phát triển bền vững mặt hàng tỷ USD này để nâng cao hơn nữa chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo thương hiệu để xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!