Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin doanh nghiệp trên Cổng hoặc trang thông tin điện tử do Bộ, ngành, địa phương quản lý và đăng tải thông tin theo quy định.
Nếu đơn vị nào chậm trễ trong việc công bố thông tin sẽ xử lý trách nhiệm đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và người quản lý doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin. Cùng với đó sẽ công khai nội dung xử lý trách nhiệm trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xử lý đối với các vi phạm về công bố thông tin; tổng hợp, công khai danh sách các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về công bố thông tin và việc xử lý vi phạm về công bố thông tin theo quy định.
Sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về công bố thông tin và việc xử lý vi phạm về công bố thông tin theo quy định
Trước đó vào đầu tháng 2, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đó, có 380/620 doanh nghiệp, tức hơn một nửa số DNNN chưa thực hiện công bố thông tin chính thức trên trang thông tin điện tử và gửi thông tin về các cơ quan chủ sở hữu theo các quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ .
Các doanh nghiệp chưa công bố thông tin chủ yếu thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, nông, lâm nghiệp. Đặc biệt các công ty con do công ty mẹ là các tập đoàn lớn như: Tập đoàn dầu khí, Hóa chất, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Cao su nắm 100% vốn đều chưa thực hiện công bố thông tin. Với việc chậm trễ này, các doanh nghiệp này có thể bị xử phạt tối đa 15 triệu đồng.
Việc công bố công khai thông tin hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước nhằm mục đích theo dõi, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, thất thoát, tham ô...
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!