Nhiều khách hàng thực sự tin rằng mình phải là người may mắn mới có được những món hời khi mua được những kỳ nghỉ tại nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp. Tuy nhiên, khi tiền đã trao, hợp đồng đã ký, mọi xung đột mới bắt đầu. Người tiêu dùng lúc này bị cuốn theo thông tin một chiều do bên cung cấp thẻ kỳ nghỉ đưa ra, tuy nhiên thực tế lại không được như cam kết.
"Happy Holidays. Bên em là đại lý phân phối độc quyền của Vinpearl đấy ạ", nhân viên Công ty cổ phần du lịch và khách sạn kỳ nghỉ Hạnh Phúc (Happy Holidays) giới thiệu.
"Thông tin này hoàn toàn không chính xác. Thứ nhất Vinpearl chưa bao giờ có đại lý độc quyền. Thứ hai, Vinpearl không kinh doanh các kỳ nghỉ dài ngày, nhiều năm", bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl, cho biết.
Dù quảng cáo sai sự thật, nhưng toàn bộ khách hàng ở đây đều không thể biết điều đó. Sau hơn 1 giờ ngồi nghe bánh vẽ, một vị khách này đã xuống tay cọc tiền mua gói sở hữu kỳ nghỉ 20 năm mà không hề đắn đo.
"Họ tư vấn rất là giỏi là có những tour du lịch và được hưởng rất nhiều chiết khấu. Khi chúng tôi đặt cọc xong là ký vào đấy. Trong đó, hợp đồng có nhiều điều khoản. Họ luôn đẩy chúng tôi vào thế không có thời gian suy nghĩ", anh Phạm Duy Trinh, khách hàng mua thẻ sở hữu kỳ nghỉ của công ty Happy Holidays, chia sẻ. .
Bút đã ký, còn hợp đồng sau hơn 1 tuần mới được nhận. Mọi chuyện sẽ êm thấm nếu không có dòng chữ này: "Mọi tuyên bố, thông báo, cam kết, giao dịch dưới mọi hình thức (miệng, văn bản, thư điện tử, tin nhắn điện thoại) của nhân viên, đại lý và người lao động của công ty, đều không có bất kỳ ràng buộc nghĩa vụ hay trách nhiệm nào của công ty".
Đồng nghĩa, lời của tư vấn viên không có giá trị, mọi cam kết về quyền lợi của khách hàng không được đảm bảo. Nhận thấy điều bất thường, một vị khách tức tốc đến tận công ty để đòi lại quyền lợi.
Vị quản lý và sếp mà nhân viên công ty nói đến vẫn giữ vững lập trường không đối thoại; không trả lại tiền bởi hợp đồng đã khô mực, bút đã sa thì gà chết.
"Tất cả những vấn đề này đều trên hợp đồng thì cứ trong hợp đồng mà chiếu ra. Bên em hay bên anh Trinh thì cứ theo pháp luật, phải tuân theo pháp luật thôi", Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần du lịch và khách sạn kỳ nghỉ hạnh phúc (Happy Holidays), nói.
Không cam tâm, nhiều đơn thư đã được soạn thảo cùng những chứng cứ của cuộc giao dịch, khách hàng quyết đòi lại công bằng cho mình. Sau một tháng tiếp nhận đơn thư phản ánh của khách hàng, đội liên ngành do thanh tra Sở Du lịch Hà Nội làm trưởng đoàn. Công việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp bán gói sở hữu kỳ nghỉ được tiến hành. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan.
Không hợp tác làm việc với cơ quan chức năng, bởi ngoài giấy đăng ký doanh nghiệp, công ty không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Mọi chuyện ngỡ đã tường minh, nhưng sau hơn 2 tháng thanh, kiểm tra, doanh nghiệp không những không bị xử lý mà trái lại vẫn đang tiếp tục được mở rộng hoạt động. Hiện mọi khách hàng cũng chỉ còn biết tự bảo vệ quyền lợi cho mình.
Rủi ro từ mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” VTV.vn - Sở hữu kỳ nghỉ là mô hình nghỉ dưỡng không còn quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng các vấn đề pháp lý để xử lý và quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gần như chưa có gì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!