Từ Hà Nội có 2 tuyến đường sắt liên vận đi sang Trung Quốc, nhưng hiện nay tuyến nào cũng đang gặp khó về hạ tầng. Từ ga Yên Viên (Hà Nội) đi Lào Cai đang là khổ đường sắt 1m, không tương thích với khổ đường 1.435 của Trung Quốc. Do đó, khi tàu chở hàng liên vận đến ga cửa khẩu sẽ phải dừng chờ để chuyển tải hàng hóa. Phát sinh thêm thời gian và chi phí.
Còn tuyến từ Yên Viên đi ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tuy đã có khổ đường 1.435, nhưng vì hạ tầng yếu nên mỗi đoàn tàu chỉ chở được tối đa khoảng 20 toa xe. Vì thế, khi sang đến Trung Quốc sẽ phải chờ khoảng 3 tiếng để ghép hai chuyến thành một mới phù hợp với đường sắt nước bạn, là tối thiểu 40 toa xe một chuyến.
Tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Đồng Đăng, Lạng Sơn qua khu vực ga Kép của Bắc Giang là tuyến duy nhất có khổ đường 1.435, khá đồng nhất với đường sắt Trung Quốc. Tuy nhiên, hạ tầng và sức kéo còn nhiều hạn chế khiến việc vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường sắt vẫn còn một số khó khăn.
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, tuyến liên vận Hà Nội - Đồng Đăng - Nam Ninh (Trung Quốc) mới chỉ có 3 chuyến/tuần do hạ tầng xuống cấp. Thời gian chạy tàu vẫn còn 14 tiếng dù đã nỗ lực cắt giảm thủ tục tờ khai tại các đầu ga. Do đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng là mong mỏi của các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng.
Ông Trương Tồn Vỹ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VTO Việt Nam cho biết: "Ví dụ quả sầu riêng giá trị cao, yêu cầu thời gian tốc độ nhanh nhưng hiện tại chưa đáp ứng được. Chúng tôi hi vọng cơ sở hạ tầng được cải thiện để tăng tốc độ, giảm giá thành vận chuyển thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều mặt hàng chạy tàu chuyên qua đường sắt".
"Hiện nay, hạ tầng đường sắt Việt Nam với đường sắt Trung Quốc cũng có nhiều khác biệt về khổ đường, đặc biệt là tuyến Lào Cai thì đây cũng là một hạn chế gây ra những hạn chế khác trong quá trình thực hiện vận chuyển hàng hóa liên vận giữa hai nước", ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ratraco nói.
Vận tải đường sắt liên vận từ Việt Nam sang Trung Quốc đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta.
Trước nhu cầu ngày càng lớn của vận tải liên vận, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc gồm Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Quảng Ninh). Trong đó, tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai hiện đang được lập báo cáo tiền khả thi với phương án chiều dài 380km, đường đôi khổ 1.435.
Ông Nguyễn Chính Nam - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: "Để phát huy tối ưu được cái năng lực và ưu điểm của vận tải đường sắt thì chúng ta bắt buộc phải đầu tư một hệ thống đường sắt tiêu chuẩn, đồng bộ tương tự như các nước đang thực hiện".
Từ đầu năm đến nay, hàng hóa liên vận quốc tế tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nhu cầu vận chuyển hàng hoá Việt - Trung ước tính khoảng 8 - 9 triệu tấn/năm, chúng ta mới chỉ đáp ứng được 1/3 khối lượng vì thế phát triển đường sắt liên vận sẽ giúp thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của thương mại song phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!