Sáng (22/5), trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Ôn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng cho biết trong bối cảnh rất khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó năm 2022, GDP năm 2022 tăng 8,02%; CPI bình quân tăng 3,15%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng…
"Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody’s, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu", Phó Thủ tướng cho biết.
Sáng 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023
Bên cạnh những điểm tích cực, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn như: 2/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu (Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội). Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu.
Công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả.
"Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khó khăn, thách thức nhiều hơn
Về tình hình - kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường: Xung đột ở Ukraine; Rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng…
Ở trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn như: Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém...
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng đạt 3,32%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%; thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 632.500 tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm; xuất siêu 7,56 tỷ USD…
"Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 5,8%; WB dự báo tăng 6,3%; OECD dự báo tăng 6,5%", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng 22/5 khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Chính phủ cũng đã tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia: Khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km; tháng 6/2023 sẽ phấn đấu khởi công đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn. Đang tích cực triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém. 3 nhà máy đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai)...
Tuy nhiên sau 3 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng… Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.
Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng…" Phó Thủ tướng cho biết.
Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%. Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Cụ thể sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!