Mới đây, sau khi UBND thành phố Hà Nội giao chủ đầu tư lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng, không ít môi giới đã rầm rộ đẩy giá nhà đất xung quanh khu này.
Hiện những ô đất được chào mời có tương lai đẹp nhất quận Long Biên vì ở ngay điểm giao với đường dẫn lên cầu được chào bán với giá lên tới 300 triệu đồng/m2.
"Sóng đất dập dồn tăng nóng theo thông tin quy hoạch" là thực tế tồn tại nhiều năm qua trên thị trường bất động sản, cũng đã có những nhà đầu tư "vỡ mộng".
Bài học gần nhất là khi Hà Nội công bố thông tin về 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, giá đất ở một số khu vực huyện ngoại thành có cầu đi qua còn cao hơn rất nhiều lần giá đất nội thành. Tuy nhiên, khi Hà Nội công bố dừng 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), bao gồm một số dự án trong 10 cây cầu kể trên, nhiều người mới phải "nếm trái đắng".
Nhà đầu tư không nên đổ xô đi đầu tư theo cơn sốt đất, vì thông tin không phải lúc nào cũng chính xác. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư không nên đổ xô đi đầu tư theo cơn sốt đất, vì thông tin không phải lúc nào cũng chính xác và dự án không phải lúc nào cũng đúng tiến độ. Chi tiết hơn, mời quý vị đón đọc trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp.
Kiến nghị tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ trong 1 năm
Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cho phép doanh nghiệp tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn tất, lấy ý kiến. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sắp xếp kế hoạch sản xuất, tùy theo nhu cầu và nguồn lực lao động.
Tuy nhiên, tờ Tiền Phong dẫn kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nên tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ để bù đắp cho việc thiếu hụt lao động hiện nay.
VASEP lấy ví dụ trong ngành thuỷ sản, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và mất khách hàng do không giao đủ và đúng hẹn các đơn đặt hàng. Để hạn chế tình trạng này, VASEP đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đồng ý với đề xuất trên.
Đua tăng vốn, ngân hàng sắp đổi ngôi thứ hạng
Mặc dù vốn điều lệ tăng mạnh năm 2021, nhưng áp lực tăng vốn tiếp tục đè nặng lên các ngân hàng các năm tới. Trong đó, áp lực tăng vốn với khối ngân hàng thương mại nhà nước là lớn nhất.
Ví dụ như Agribank là ngân hàng khó khăn nhất về tăng vốn do chưa thể cổ phần hóa. BIDV cũng chưa được phê duyệt phương án tăng vốn lên hơn 48.000 tỷ đồng.
Tờ Đầu tư phân tích, hiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng ở Việt Nam còn khá thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Do trong nhiều năm qua, các ngân hàng tăng mạnh cho vay (tín dụng mỗi năm tăng bình quân 14 - 15%), trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm hơn rất nhiều.
Do đó, dư địa tăng trưởng ngày càng bị co hẹp. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh, tăng vốn, cải thiện hệ số CAR sẽ giúp ngân hàng đối phó tốt hơn với rủi ro thanh khoản, hỗ trợ vốn tốt hơn cho nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!