Nhà đầu tư sẵn sàng "bỏ cọc" sau cơn sốt đất nền
Sau Tết Âm lịch, tại nhiều tỉnh thành, giá đất nền liên tục lập đỉnh. Mức giá tăng nhanh chỉ trong vòng 1 - 2 tháng. Ngay sau đó, các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương đã liên tục thực thi các giải pháp để bình ổn cơn sốt đất như tạm dừng tách thửa, dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp thành đất ở, kiểm tra pháp lý của các dự án. Cộng với ảnh hưởng từ dịch COVID-19 bùng phát, giá đất nền tại một số nơi đã hạ nhiệt nhanh chóng.
Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Phước và một số huyện ngoại thành Hà Nội đã trở thành tâm điểm của cơn sốt đất hồi đầu năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khung cảnh rất đìu hiu, vắng vẻ. Các sàn giao dịch cho biết, tham gia giao dịch trong cơn sốt đất vừa qua chủ yếu là các nhà đầu tư.
Giá đất nền tại một số nơi đã hạ nhiệt nhanh chóng. Ảnh minh họa.
Nhiều trường hợp chưa trả hết số tiền mua đất, mà chỉ mới dừng ở việc đặt cọc từ 50 - 100 triệu đồng. Nay họ sẵn sàng bỏ cọc, mất khoản tiền này, còn hơn là tiếp tục xuống tiền để chịu lỗ. Bởi giá đất nền nhiều nơi đã giảm 20 - 30% so với thời điểm sốt nóng. Cá biệt, có nơi còn giảm tới một nửa, chủ yếu tại các dự án dang dở, chưa xong thủ tục pháp lý.
Tại một số tỉnh có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như tại Bắc Giang, thị trường gần như hoàn toàn đóng băng.
Ở các tỉnh phía Nam, số liệu từ một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong tháng 5, nguồn cung đất nền tại các nơi như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vùng Tàu, Long An chỉ đạt 1.000 sản phẩm, giảm 30% so với tháng trước. Kèm theo đó là lượng tiêu thụ đã giảm hơn 60%.
Nguyên nhân là do đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và người mua có tâm lý thận trọng hơn sau những cơn sốt đất thời gian qua.
"Nơi nóng, nơi lạnh"
Có thể thấy là giá đất nền đang giảm mạnh tại các nơi chưa xong các thủ tục pháp lý. Còn tại các dự án tiềm năng, pháp lý sạch vẫn giữ giá, có chăng chỉ giảm nhẹ. Trong khi đó, thị trường lại ghi nhận những diễn biến trái chiều tại các thành phố lớn.
Khi đất nền tại một số nơi giá có dấu hiệu giảm, giá bất động sản tại các dự án do các chủ đầu tư xây dựng như nhà liền kề, chung cư tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đơn cử, phân khúc chung cư tại Hà Nội vẫn tăng giá 4 - 6% so với cuối năm ngoái. Còn TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng trên 10%. Các căn hộ giá hàng trăm triệu/m2 xuất hiện ngày càng nhiều.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, hiện nay nhiều dự án chung cư vốn thuộc phân khúc bình dân nay giá bán đã ngang bằng căn hộ trung cấp, còn căn hộ trung cấp lại lên mức giá của phân khúc cao cấp.
Người mua "đỏ mắt" tìm căn hộ bình dân. Ảnh minh họa - Dân trí.
Ngoài ra, việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ ở mức dưới 6,5%/năm, đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang bất động sản.
Ông Nguyễn Khắc Hải - nhà đầu tư cho biết: "Bất động sản nó là loại tài sản trong tương lai dài không mất giá trị, đặc biệt với các bất động sản tại vị trí đắc địa".
Từ đầu năm, giá thép đã liên tục tăng giá, lên 40 -50% chỉ trong 1 thời gian ngắn. Điều này tác động không nhỏ tới các dự án đang xây dựng.
Năm ngoái, khi thị trường bất động sản phải lần lượt đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, một số ý kiến cho rằng, có thể dẫn tới hiện tượng các chủ đầu tư phải giảm giá để kích cầu.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu thị trường cho rằng, các chủ đầu tư trụ lại đến thời điểm này đều có tiềm lực tài chính tốt, hiện tượng bán "cắt lỗ" chỉ xuất hiện ở một số nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Còn việc giảm giá bán từ phía chủ đầu tư là điều khó có thể xảy ra.
"Mặc dù đợt bùng phát diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn các dự án, nhưng các doanh nghiệp lại khá bình tĩnh vì họ có nhiều kinh nghiệm đối phó với các đợt giãn cách", bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho biết.
Tại các thành phố lớn, bất động sản vẫn giữ nguyên, thậm chí là gia tăng giá trị, ngay giữa mùa dịch. Ảnh minh họa.
Thị trường bất động sản đang diễn biến trái chiều nơi tăng, nơi giảm. Tuy nhiên, việc giảm giá chỉ xuất hiện tại những nơi bị thổi giá cao trong các đợt sốt đất, trong khi hạ tầng giao thông, dịch vụ không theo kịp.
Còn tại các thành phố lớn - nơi có nhu cầu nhà ở cao, khan hiếm nguồn cung, bất động sản vẫn giữ nguyên, thậm chí là gia tăng giá trị, ngay giữa mùa dịch.
Giá bất động sản nơi tăng, nơi giảm, sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, vui hoặc buồn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với người có nhu cầu mua nhà để ở, việc giá nhà tại các thành phốlớn tiếp tục leo thang lại đang là câu chuyện nóng, khiến việc mua nhà trở nên khó khăn hơn.
Bộ Xây dựng vừa qua đã tiếp tục lấy ý kiến các Bộ liên quan để tìm giải pháp phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Rất nhiều doanh nghiệp cũng đang mong chờ các chính sách mới để có thể tham gia xây dựng phân khúc nhà ở hết sức thiết yếu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!