Ủy ban châu Âu đã yêu cầu chính phủ Hà Lan và Luxembourg phải truy thu số thuế của Fiat và Starbucks với tổng số tiền có thể lên tới khoảng 60 triệu Euro.
Chiều 24/9, Toà án công lý với thẩm quyền lớn thứ 2 châu Âu đã chấp thuận cho Starbucks không phải nộp phạt nhưng giữ nguyên phán quyết với Fiat. Yêu cầu chính phủ Luxembourg phải truy thu khoảng 30 triệu Euro tiền thuế từ hãng ô tô này. Đây là một phần trong chiến dịch truy quét các tập đoàn đa quốc gia né thuế tại châu Âu.
Fiat bị cáo buộc đã lợi dụng những thoả thuận bất hợp pháp với chính phủ Luxembourg để trốn hàng triệu euro tiền thuế doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, hành vi trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia khiến EU thất thu tới hàng trăm tỷ euro mỗi năm. Riêng cơ chế "tối ưu hóa thuế" mà một số nước thành viên EU dành cho các tập đoàn này đã gây thiệt hại từ 50 đến 70 tỷ Euro.
Ngoài thiệt hại lớn về nguồn thu ngân sách, tình trạng trốn thuế còn ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Do vậy, cuộc chiến chống trốn thuế được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của EU nhằm làm lành mạnh thị trường tài chính của khối. Hơn nữa, với việc phạt hai tập đoàn Starbucks và Fiat, EU muốn gửi thông điệp cứng rắn tới các tập đoàn đa quốc gia đang lợi dụng những kẽ hở pháp lý để trốn thuế, răn đe các nước thành viên không tuân thủ nghiêm các quy định về thuế, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu và quốc tế.
Mặc dù vậy, quyết định của Tòa án châu Âu sẽ chỉ hạn chế được hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp, chứ chưa thể giúp bịt kín lỗ hổng trong hệ thống thuế của EU hiện nay. Trên thực tế, cùng với những kẽ hở về pháp lý của EU, một số nước thành viên khối này bị cáo buộc tiếp tay cho hành vi trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, ngoài các biện pháp chế tài, sửa đổi luật lệ, cuộc chiến chống trốn thuế của EU cần có sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên của khối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!