Sửa đổi Nghị định 20: Doanh nghiệp được hồi tố gần 5.000 tỷ đồng

Khánh Huyền-Thứ hai, ngày 06/07/2020 14:17 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn - Dự kiến theo sửa đổi, các doanh nghiệp sẽ được hồi tố khoảng 4.785 tỷ đồng. Sau thời hạn 5 năm thì sẽ không được bù trừ.

Ngày 24/6/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nếu doanh nghiệp nào đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp trong năm 2020 được xác định lại, doanh nghiệp sẽ được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong 5 năm tiếp theo.

Trước đó, tại khoản 3 điều 8 nghị định 20 có quy định, tổng chi phí lãi vay không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và khấu hao trong kỳ. Nếu vượt quá sẽ không được tính là chi phí hợp lệ để khấu trừ khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Sửa đổi Nghị định 20: Doanh nghiệp được hồi tố gần 5.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Dự kiến theo sửa đổi, các doanh nghiệp sẽ được hồi tố khoảng 4.785 tỷ đồng. Sau thời hạn 5 năm thì sẽ không được bù trừ (Ảnh minh họa)

Quy định này đã quản lý được công tác chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI, nhưng vô tình gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Không ít doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, từ lãi thành lỗ, hoặc bị tính thuế 2 lần cả công ty mẹ và công ty con nếu cho nhau vay tiền.

Việc hồi tố 4.785 tỷ đồng lại cho doanh nghiệp là một quyết định mang tính lịch sử vì từ trước đến nay rất ít có quyết định tương tự. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tác động sâu rộng, ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế, khoản tiền hồi tố hàng nghìn tỷ đồng sẽ là một nguồn hỗ trợ quý báu cho doanh nghiệp. 

Sửa đổi Nghị định 20: Doanh nghiệp được hồi tố gần 5.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Việc hồi tố 4.785 tỷ đồng lại cho doanh nghiệp là một quyết định mang tính lịch sử vì từ trước đến nay rất ít có quyết định tương tự (Ảnh minh họa)

"Năm 2017, chúng tôi lỗ tới 400 tỷ đồng nhưng vẫn phải đóng thuế TNDN hàng trăm tỷ đồng, vì bị khống chế chi phí lãi vay 20%. Nay các khoản thuế đã đóng chưa chính xác được hoàn trả đã giúp chúng tôi như trút bỏ được gánh nặng, có thêm thời gian lo cho việc sản xuất sau dịch COVID-19, ổn định việc làm cho hơn 30.000 cán bộ nhân viên", Ông Võ Trường Sơn- Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho hay.

Theo thống kê, có ít nhất trên 1.000 doanh nghiệp đã phải chịu tác động từ việc khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20. Chi phí đi vay là chi phí thực và chính đáng của doanh nghiệp. Phí này nay đã được hồi tố, khấu trừ lại các khoản chi phí này, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn giữa lúc khó khăn vì dịch bệnh.

Sửa đổi Nghị định 20: Doanh nghiệp được hồi tố gần 5.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Tại Điều 1 của Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ có những thay đổi so với quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP như sau:

- Tổng chi phí lãi vay được hiểu là chi phí lãi vay sau khi đã trừ đi lãi tiền gửi và lãi cho vay.

- Chi phí lãi vay trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP là 20%.

- Phần chi phí lãi vay không được trừ (vượt mức 30% ở trên) sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Tại Điều 2 của Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành. Theo đó, Nghị định có hiệu lực từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2019. Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP cho kỳ tính thuế TNDN năm 2017, 2018 sẽ được xác định lại theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP, cụ thể:

- Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018 và nộp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp trước ngày 01/01/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế TNDN phải nộp giảm đi, sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).

- Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã nộp NSNN lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp được xác định lại, phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong năm 2020. Nếu chưa bù trừ hết, được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP

Nghị định 20/2017/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên ở cấp Nghị định của Chính phủ về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Qua 03 năm thực hiện Nghị định đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh chống chuyển giá.

Trong năm 2017 và 2018, mỗi năm, đã có hơn 11.000 doanh nghiệp kê khai quan hệ liên kết, trong đó tỷ trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 36%. Trong số các doanh nghiệp kê khai quan hệ liên kết, có 6.604 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết trong năm 2017 và 7.785 đơn vị có giao dịch liên kết năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 18%, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 15%.

Về kết quả thu thuế, qua thanh tra kiểm tra các đơn vị có giao dịch liên kết từ năm 2017 đến nay, số thu đã xử lý về thuế trên 11.000 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt là trên 2.000 tỷ đồng; giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng/năm; giảm lỗ gần 9.000 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân trên 7.700 tỷ đồng mỗi năm.

Việc thực hiện quy định về khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN với mục tiêu quan trọng hơn là chốt chặn, ngăn ngừa triệt để lợi nhuận thu được sau đấu tranh chống chuyển giá bị các doanh nghiệp vô hiệu hóa thông qua công cụ lãi vay đã phát huy được hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước