Suy thoái kinh tế của châu Âu liệu có ảnh hưởng tới Mỹ?

TTXVN-Thứ tư, ngày 21/06/2023 07:41 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - Suy thoái đã đến châu Âu, liệu điều này có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ hay không?

Trang mạng it.investing.com vừa đăng bài phân tích của ông Antonio Tognoli - thành viên hội đồng quản trị thuộc Cơ quan Đánh giá Italy (OIV), cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội phân tích tài chính Italy (AIAF) - đánh giá về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế châu Âu đối với Mỹ.

Suy thoái đã đến châu Âu, liệu điều này có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ hay không? Trên thực tế, 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro đã rơi vào tình trạng mà hiện tại có thể được định nghĩa là suy thoái nhẹ từ năm 2022 đến năm 2023. Lạm phát cao đã khiến người tiêu dùng và chính phủ nản lòng. Điều này cũng có nghĩa là cả Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) và kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đang tụt lại phía sau Mỹ.

Trong ba tháng đầu năm, sản lượng kinh tế của Eurozone giảm 0,1% so với quý trước, sau khi giảm cùng mức độ trong quý cuối cùng của năm 2022. Còn kinh tế Mỹ đã tăng 0,3% trong quý I/2023 sau khi tăng 0,6% trong quý IV/2022.

Theo chuyên gia Antonio Tognoli, khi châu Âu "cảm lạnh", phần còn lại của thế giới sẽ "hắt hơi". Khoảng cách giữa hoạt động kinh tế của Mỹ và châu Âu có thể không duy trì lâu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York đã xem xét liệu các cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu có ảnh hưởng đến Mỹ trong 30 năm qua hay không, và câu trả lời là có. Châu Âu có thể ảnh hưởng đến Mỹ theo nhiều cách, ví dụ như thông qua các liên kết thương mại, các dòng tài chính xuyên biên giới. Hơn nữa, tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ và cú sốc niềm tin toàn cầu có thể có tác động dây chuyền.

Năm 2012, châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm. Những lo ngại về sức khỏe tài chính ở châu Âu, đặc biệt là ở Hy Lạp, đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng trên khắp lục địa. Biên bản cuộc họp tháng 9/2012 của FED đã nhắc đến nỗi sợ lây lan.

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi một cách đáng ngạc nhiên nhưng những "cơn gió ngược" có thể sẽ ập đến. Nền kinh tế Mỹ có thể đang ở trong một môi trường có thể không được mô tả chính xác là suy thoái, nhưng có những điểm tương đồng như suy thoái. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là Mỹ có thể tránh được tình trạng "hạ cánh cứng", nhưng nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng chậm (đôi khi tăng trưởng âm) và lạm phát dai dẳng.

Thị trường việc làm mạnh mẽ trong khi thước đo lạm phát lõi tiếp tục tăng. Tiêu thụ cũng tăng nhờ các khoản tiết kiệm cao được tích lũy trong thời kỳ đại dịch. Những chỉ số này đều cho thấy lạm phát sẽ cao hơn, vì các công ty chuyển chi phí lao động sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá hàng hóa và dịch vụ. FED đã tìm cho mình một khoảng thời gian để quyết định phải làm gì tiếp theo.

Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế mạnh mẽ và lạm phát dai dẳng có thể khiến FED tiến hành các đợt tăng giá tiếp theo trong tương lai. Lãi suất tăng có thể làm cho môi trường kinh tế khó khăn hơn. Theo các nhà phân tích của OIV, kịch bản Mỹ rơi vào suy thoái có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ 2023-2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước