SWIFT là gì? Tại sao SWIFT được xem là “Vũ khí hạt nhân tài chính”?

PV-Thứ hai, ngày 28/02/2022 11:00 GMT+7

Ảnh: Bloomberg

VTV.vn - Canada, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã đồng ý chặn "có chọn lọc" một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.

SWIFT là gì?

SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được ví như mạng xã hội Twitter của các ngân hàng, giúp cung cấp thông tin giao dịch cho các tổ chức tài chính.

Hệ thống này thành lập năm 1973 để thay thế điện tín và được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính để gửi tin nhắn, lệnh thanh toán bảo mật. Vì hiện nay không có kênh nào thay thế được chấp nhận trên toàn cầu, SWIFT có vai trò thiết yếu với tài chính thế giới.

SWIFT ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày trong năm 2021 và 82 triệu tin nhắn trong tháng 2/2022. Các tin nhắn này là về giao dịch chứng khoán, thương mại...

SWIFT là gì? Tại sao SWIFT được xem là “Vũ khí hạt nhân tài chính”? - Ảnh 1.

SWIFT ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày trong năm 2021 và 82 triệu tin nhắn trong tháng 2/2022

Với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được coi là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế. Hơn một nửa các khoản thanh toán giá trị lớn xuyên quốc gia đều xử lý qua hệ thống này.

Theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức của nước này sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng tham gia hệ thống này biến Nga thành nước đứng thứ 2 sau Mỹ về số lượng người dùng.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ và được quản lý bởi một hội đồng 25 người, trong đó cả đại diện của Nga. SWIFT là tổ chức "trung lập", hoạt động theo luật pháp Bỉ và tuân thủ các quy định của EU.

“Vũ khí hạt nhân tài chính”

Nếu thứ Năm (24/2) tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và một vài nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) còn chưa muốn sử dụng đến biện pháp trừng phạt bằng cách loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, thì chưa đầy 48 tiếng sau, mọi thứ đã thay đổi.

Canada, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã đồng ý chặn "có chọn lọc" một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Động thái này được cho sẽ giáng một đòn mạnh vào kinh tế Nga, tuy nhiên cũng tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho chính những công ty và ngân hàng của phương Tây.

Các quốc gia đồng minh phương Tây vẫn chưa công bố nhắm đến ngân hàng nào của Nga. Theo các chuyên gia, đây là yếu tố quan trọng để ước tính ảnh hưởng. Nếu những ngân hàng được lựa chọn lại chính là các tổ chức đã chịu lệnh trừng phạt từ trước và ngân hàng trung ương Nga đã có thời gian chuyển tài sản sang nơi khác, tình hình không có gì khác biệt nhiều. 

Tuy nhiên, nếu danh sách bao gồm các ngân hàng lớn nhất của Nga, như Sberbank, VTB, họ sẽ đánh trực tiếp vào phần lớn trong khối lượng giao dịch ngoại hối thường ngày khoảng 46 tỷ USD được thực hiện bởi các tổ chức tài chính Nga. Những lệnh này đánh vào gần 80% tổng tài sản ngân hàng ở Nga.

SWIFT là gì? Tại sao SWIFT được xem là “Vũ khí hạt nhân tài chính”? - Ảnh 2.

Canada, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã đồng ý chặn "có chọn lọc" một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT (Ảnh: Rafael Henrique/Sopa Images/Rex/Shutterstock)

"SWIFT là một vũ khí hạt nhân tài chính, cho phép chúng ta chặn quyền truy cập của các tổ chức tài chính Nga với bất kỳ tổ chức tài chính nào trên thế giới", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh.

"Chúng tôi cam kết rằng những ngân hàng Nga được xác định sẽ bị cắt đứt quyền truy cập vào hệ thống SWIFT. Mục tiêu về cơ bản là đóng băng tài sản, ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến khả năng vận hành toàn cầu của họ", Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định.

Sau khi bị phương Tây trừng phạt năm 2014 vì sáp nhập Crime, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề phòng, bằng cách thiết lập một hệ thống tài chính riêng có tên Hệ thống Chuyển Thông điệp Tài chính (SPFS).

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, hệ thống này xử lý khoảng 2 triệu tin nhắn trong năm 2020, khoảng 1/5 khối lượng trong nước và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2023.

Tuy nhiên, SPFS giới hạn số lượng tin nhắn và chỉ hoạt động vào các ngày trong tuần, nên rất khó để khuyến khích thêm các thành viên nước ngoài. Đến nay, chỉ có khoảng 10 ngân hàng nước ngoài đang sử dụng SPFS, bao gồm một ngân hàng Trung Quốc. Do vậy, liệu hệ thống này liệu có thực sự giúp ích nhiều cho Nga trong việc chuyển khoản thanh toán quốc tế hay không, vẫn là một câu hỏi.

Trong tuyên bố mới nhất, các đồng minh phương Tây còn hứa hẹn sẽ áp đặt "các biện pháp hạn chế" nhằm "ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế của họ theo cách làm giảm tác động của các lệnh cấm vận". Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ bị ngăn chặn dùng vàng và dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng Ruble.

Điều gì xảy ra nếu Nga bị loại khỏi SWIFT?

Năm 2012, các ngân hàng Iran đã bị loại khỏi SWIFT vì lệnh trừng phạt của EU với chương trình hạt nhân nước này. Iran mất nửa nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và 30% ngoại thương sau việc này, Shagina cho biết.

"Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT. Việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ ngừng tất cả các giao dịch quốc tế, gây biến động tiền tệ và thất thoát dòng vốn lớn", bà Alexandra Vacroux, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Á - Âu của Đại học Harvard, nhận định.

Nga sẽ gặp khó khăn, nếu bị loại khỏi SWIFT, khi thực hiện các giao dịch quốc tế, bao gồm thu lợi nhuận từ dầu và khí đốt, vốn chiếm hơn 40% doanh thu của Nga, theo báo USA Today.

SWIFT là gì? Tại sao SWIFT được xem là “Vũ khí hạt nhân tài chính”? - Ảnh 3.

Các bên được cho là cùng bị thiệt hai nếu Nga bị loại khỏi SWIFT (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Mỹ và Đức sẽ thiệt hại nhiều nhất nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, do các ngân hàng của họ sử dụng SWIFT để liên lạc với các nhà băng Nga nhiều nhất. Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ dừng ở đó. Các chính trị gia Nga cho biết việc vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và kim loại sang châu Âu cũng sẽ dừng lại.

"Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, chúng tôi không nhận được ngoại tệ. Nhưng người mua, điển hình là các nước châu Âu, cũng sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi, như dầu mỏ, khí đốt, kim loại và nhiều linh kiện quan trọng khác", Nikolai Zhuravlev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) cho biết.

Các chuyên gia so sánh việc Nga bị loại khỏi SWIFT cũng giống như bị cắt Internet. "Hãy tưởng tượng những tổ chức này hoạt động trực tuyến với các khách hàng gửi thông tin và giao dịch, rồi đột nhiên ngắt kết nối với hệ thống", Đài CBC dẫn lời Markos Zachariadis, chuyên gia về hệ thống thông tin và công nghệ tài chính tại Đại học Manchester, mô tả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước