Tại sao châu Âu lại quá phụ thuộc Nga về khí đốt?

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 27/02/2022 06:35 GMT+7

VTV.vn - Người dân châu Âu đang phải gánh chịu giá năng lượng cao ngất ngưởng kể từ khi Nga rục rịch đưa quân vào Ukraine.

Giá năng lượng đã tăng điên cuồng trong ngày 24/2 sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Giá dầu Brent đã vượt mốc 100 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng tới 6,5% và chốt ngày tăng ở mức 2%.

Trước đó, Đức đã tạm dừng dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 ở biển Baltic, một dự án nhằm tăng dòng khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức.

Trước sự bấp bênh đó, Liên minh châu Âu (EU) vốn đặc biệt phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đang lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Theo Washington Post, kế hoạch này dự kiến sẽ được Ủy ban châu Âu công bố vào tuần tới.

Tại sao châu Âu lại quá phụ thuộc Nga về khí đốt? - Ảnh 1.

Điều gì khiến châu Âu lại quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga? (Ảnh: Reuters)

Vậy lý do gì khiến khu vực này lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng Nga như vậy?

Khí tự nhiên ở Biển Bắc cạn kiệt

Theo ông Tim Schittekatte, nhà nghiên cứu tại MIT Energy Initiative và là chuyên gia về lưới điện châu Âu, những năm 1960 và 1970, châu Âu cung cấp một lượng khí đốt tự nhiên tương đương với lượng khí đốt mà họ sử dụng.

Tuy nhiên, sau đó sản lượng khí đốt của châu Âu sụt giảm dần khi các mỏ khí đốt ở Biển Bắc, vốn là nguồn cung đặc biệt quan trọng của Anh và Hà Lan, cạn kiệt. Ngoài ra, việc Hà Lan tuyên bố đóng cửa hoàn toàn các mỏ khí đốt ở Groningen vì động đất cũng khiến cho nguồn cung khí đốt của khu vực thêm eo hẹp.

Cùng thời điểm trên, các nước châu Âu đã và đang thực hiện cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá để đạt mục tiêu khí hậu là đạt mức trung tính về carbon vào năm 2050, cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030. Hiện, châu Âu chỉ còn khoảng 20% sản lượng điện năng là từ điện than.

Theo Tổng cục Năng lượng EU, kể từ năm 2012 đến nay, EU đã giảm khoảng 1/3 sản lượng điện than.

Ngoài ra, Đức đã sớm từ chối các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân với việc ban hành Đạo luật Năng lượng nguyên tử vào năm 2011 - một quyết định được đưa ra nhằm ứng phó với thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Chỉ 13% năng lượng của châu Âu hiện nay là từ năng lượng hạt nhân.

Theo Tổng cục Năng lượng của EU, khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của EU là từ khí đốt tự nhiên, dầu và dầu mỏ chiếm 32%, năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học chiếm 18%, nhiên liệu hóa thạch rắn chiếm phần còn lại 11%.

Với 25% năng lượng từ khí đốt tự nhiên trong khi nguồn cung của khu vực cạn kiệt, đồng nghĩa châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. EU hiện là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Theo Tổng cục Năng lượng EU, tỷ trọng khí đốt EU nhập từ Nga chiếm 41%, Na Uy 24% và Algeria 11%.

Nói với CNBC, ông Schittekatte cho biết: "Trong các nhà cung cấp nước ngoài, khí đốt của Nga là rẻ nhất. Thay vì đa dạng hóa nhà cung cấp, các tuyến đường nhập khẩu khí đốt của Nga đã được đa dạng hóa".

Ngoài khí đốt tự nhiên của Nga là rẻ nhất, lượng dự trữ khí đốt của Nga còn lớn hơn bất kỳ nguồn cung nào khác gần đó, ông Georg Erdmann, nguyên chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Năng lượng của Viện Công nghệ Năng lượng thuộc Đại học Công nghệ Berlin nói với CNBC.

Theo ông Erdmann, đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Đức (Đông Đức trước đây), khí đốt và dầu của Nga có giá phải chăng nhất. "Cho đến ngày nay, Nga đã hoàn tất tất cả các hợp đồng dài hạn. Vì vậy, ngành công nghiệp khí đốt cho rằng Nga là một đối tác thương mại đáng tin cậy".

Đẩy mạnh năng lượng tái tạo

Mặc dù phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng nhìn chung nhu cầu khí đốt của EU đã đạt đỉnh vào năm 2010.

EU đã và đang tập trung xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá chậm nên không thể xóa bỏ ngay sự lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng của nước ngoài.

Điều đó một phần là do cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu không được thiết lập để xử lý khả năng gián đoạn năng lượng tái tạo, khó tích trữ năng lượng từ các nguồn tái tạo trong những thời điểm không có ánh nắng mặt trời và không có gió. Một số giải pháp đang được đưa ra để giải quyết vấn đề này bao gồm pin quy mô lớn, hydro xanh, nhưng các giải pháp đó vẫn nhỏ lẻ, chưa được triển khai ở quy mô lớn.

Ông Peter Sobotka, người sáng lập kiêm CEO của Corinex, công ty chuyên về cải thiện hiệu quả của các mạng phân phối năng lượng ở châu Âu, cho rằng chiến lược năng lượng tái tạo của châu Âu phần lớn phụ thuộc vào việc lắp đặt năng lượng mặt trời của người tiêu dùng.

"Mô hình này đòi hỏi các khoản đầu tư lớn vào lưới điện để ngay lập tức có thể đưa lượng điện thừa đến những nơi cần thiết nhằm giữ cho chi phí năng lượng thấp khi đến tay người dùng cuối", ông nói.

Trong khi đó, theo ông Schittekatte, đơn giản là hiện ở một số khu vực của châu Âu không có đủ công suất lưới điện để sử dụng nhiều năng lượng tái tạo, ví dụ như ở Tây Ban Nha và Hà Lan.

Một số công ty điện đã nhận ra vấn đề này. E.ON, một công ty điện của Đức đã bắt đầu đầu tư 22 tỷ euro trong vòng 5 năm tới để nâng cấp và số hóa mạng lưới phân phối điện. "Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, những kế hoạch như vậy có thể hơi muộn", ông Sobotka nói.

Ngoài ra, theo ông Schittekatte, quá trình cấp phép diễn ra chậm chạp, một số trường hợp là do sự phản đối của công chúng.

Trong một số trường hợp, việc xây dựng năng lượng tái tạo ở châu Âu yêu cầu các quốc gia phải cùng hợp tác. Đây cũng là một nguyên nhân khiến quá trình này diễn ra chậm.

"Phần lớn năng lượng tái tạo đến từ Biển Bắc thông qua hệ thống điện gió ngoài khơi nhưng khó khăn là điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác đa phương, đó là tất cả các quốc gia giáp Biển Bắc phải hợp tác cùng nhau", ông Schittekatte nói.

Trước mắt, theo ông Erdmann, châu Âu vẫn có đủ năng lượng để dùng trong thời gian còn lại của mùa đông, với các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy 30%. "Con số này mặc dù ít hơn so với cuối mùa hè của những năm trước, nhưng nó cũng đủ dùng", ông Erdmann nói với CNBC.

Cú sốc nguồn cung khí đốt đe dọa kinh tế Eurozone Cú sốc nguồn cung khí đốt đe dọa kinh tế Eurozone

VTV.vn - ECB dự báo giá năng lượng tăng cao sẽ khiến sản lượng kinh tế của Eurozone giảm khoảng 0,2% trong năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước