Tác động của Brexit không thỏa thuận với ngành công nghiệp ô tô

Phương Huyền (PV Đài THVN thường trú tại Anh)-Thứ sáu, ngày 15/03/2019 11:14 GMT+7

VTV.vn - Với ngành công nghiệp ô tô, Brexit không thỏa thuận được cho là kéo theo những hệ lụy với không chỉ nước Anh, mà là đối với ngành sản xuất ô tô ở quy mô toàn cầu.

"No deal Brexit" hay "Brexit không thỏa thuận" luôn được xem là một viễn cảnh đổ vỡ đối với nền kinh tế Anh.

Financial Times đăng tải một nhận định của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng, nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận, kéo theo mức thuế mới 10% được thiết lập giữa Anh và Liên minh châu Âu trên mặt hàng ô tô, đây sẽ là cú shock mới nhất đe dọa quy mô sản xuất của ngành này trên phạm vi toàn cầu.

Tại Anh đang đặt nhà máy sản xuất của Nissan cho toàn thị trường châu Âu. Dự tính, việc thuế xuất khẩu xe từ Anh sang EU tăng từ 0% hiện nay lên 10% trong trường hợp Anh ra đi không thỏa thuận, có thể làm hãng xe Nhật này thiệt hại 30% lợi nhuận hoạt động.

Thiệt hại của hai hãng xe lớn khác từ Nhật là Toyota và Honda có thể ít hơn do tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường châu Âu nhỏ hơn. Tuy vậy, ngày 18/2 vừa qua, Honda cũng vừa tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất duy nhất tại châu Âu đang đặt ở Swindon, Anh.

Các dòng xe hạng sang như Jaguar, Land Rover và BMW cũng ảnh hưởng không nhỏ. 75% tổng số xe của Jaguar được sản xuất trên đất Anh nhưng đến hơn 50% linh kiện lại nhập từ châu Âu. Hãng xe Đức BMW cũng chịu sự ràng buộc phức tạp tương tự, khi hãng này đặt nhà máy sản xuất hai dòng xe sang Rolls Royce và Mini trên đất Anh, rồi sau đó nhập ngược lại các mẫu này vào thị trường Đức.

Theo The Economist, tương lai không rõ ràng trong cuộc chia tay của Anh với Liên minh châu Âu đang tác động mạnh đến vốn đầu tư vào ngành sản xuất ô tô tại Anh. Ở đây bao gồm cả đầu tư của các thương hiệu ô tô quốc tế có đặt hoạt động sản xuất tại Anh. Trong 3 năm, hoạt động đầu tư đã giảm gần 80%, từ 2,5 tỷ Bảng năm 2015 xuống còn hơn 500 triệu Bảng trong nửa đầu 2018.

Mức độ ảnh hưởng với các nhà sản xuất ô tô của Mỹ có lẽ là ít nhất. Hãng Ford bình luận, Brexit không thỏa thuận sẽ là một thảm họa cho ngành ô tô dù nhà sản xuất ô tô Mỹ này thực ra chỉ đang đặt bộ phận sản xuất động cơ xe tại Anh và cũng từng nói gần như chắc chắn sẽ di chuyển nhà máy sang nước khác.

Cũng theo The Economist, nhiều nhà sản xuất ô tô đã thậm chí lên kế hoạch dừng bán hàng quanh thời điểm Anh chính thức rời châu Âu do dự đoán hoạt động sản xuất sẽ gián đoạn. Sự đình trệ tạm thời chỉ là một chuyện, vấn đề tốn kém hơn kéo theo sau việc Brexit không thỏa thuận là các nhà sản xuất xe sẽ phải cơ cấu lại sơ đồ sản xuất, cung ứng hiện nay của mình do các thay đổi trong quan hệ Anh và EU và việc này thậm chí có thể mất vài năm.

80% xe hơi sản xuất tại Anh trong năm 2018 là phục vụ mục đích xuất khẩu, trong đó, một nửa số xuất khẩu này vào thị trường EU. Đây không chỉ là xe của Anh bởi Anh chỉ giống như địa điểm sản xuất, cung ứng và là cửa ngõ vào châu Âu của đủ các thương hiệu xe toàn cầu. Brexit không thỏa thuận được xem là một cú đánh mạnh nữa vào ngành công nghiệp ô tô vốn đang lao đao, sau tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quy định khắt khe mới của liên minh châu Âu về hạn chế phát thải.

Hạ viện Anh chấp thuận trì hoãn Brexit Hạ viện Anh chấp thuận trì hoãn Brexit EU để ngỏ khả năng gia hạn Brexit trong thời gian dài EU để ngỏ khả năng gia hạn Brexit trong thời gian dài Giới DN Anh lo ngại những bất ổn từ Brexit Giới DN Anh lo ngại những bất ổn từ Brexit

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước