Nói không với dự án hạ tầng BT (xây dựng - chuyển giao), thường được gọi là đổi đất lấy hạ tầng khi không có đất sạch, tách bạch giữa đấu giá đất và đấu thấu dự án, tìm phương cách quản lý hữu hiệu nguồn tài nguyên này là những quyết sách trong việc xây dựng quy trình thực hiện dự án BT. Với dự báo sẽ mang đến 80% nguồn vốn trong tổng vốn đầu tư của TP.HCM trong thời gian tới, việc thành phố quyết định tạm ngừng hoàn toàn các dự án BT đang trong giai đoạn đàm phán vào cuối tháng 10 vừa qua để xây dựng và hoàn thiện quy trình chuẩn đã thể hiện quyết tâm sử dụng hiệu quả nhất phương thức huy động vốn này.
Điều này đã thể hiện chính sách nhất quán của TP.HCM với những khu đất "vàng" được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi thực hiện những dự án hạ tầng phục vụ cho việc phát triển thành phố, đồng thời là yêu cầu đầu tư trong xây dựng quy trình thích hợp để vận hành lại các dự án BT.
Quỹ đất có hạn, trong khi yêu cầu về nguồn vốn ngày càng cao. Vì vậy, việc đấu giá đất sẽ được thay đổi từ hình thức hàng đổi hàng (đất đổi lấy dự án) sang tiền đổi hàng (đấu giá đất để lấy tiền trả lại cho doanh nghiệp làm dự án), tiến tới tiền đổi tiền. Đây là bước quan trọng để thực hiện việc đấu thầu dự án trong bối cảnh còn nhiều băn khoăn từ chính các doanh nghiệp tham gia BT.
Để tách bạch giữa đất và công trình, giảm bớt quyền lực mặc cả của nhà đầu tư, vấn đề gây lo ngại và lãng phí hiện nay, đồng thời vẫn khai thác được giá trị từ đất, các chuyên gia đã đề nghị thành lập quỹ phát triển hạ tầng với hai chức năng vừa đấu giá đất, vừa tạo cơ chế đủ hấp dẫn để thu hút chủ đầu tư vào dự án hạ tầng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!