Tài sản 5 người giàu nhất tăng hơn gấp đôi, trong khi 5 tỷ người trở nên nghèo hơn

VTV Digital-Thứ tư, ngày 17/01/2024 10:41 GMT+7

VTV.vn - Theo đại diện của Oxfam, Ttrong 10 năm tới, chúng ta sẽ có một người giàu sở hữu 1.000 tỷ USD nhưng lại mất đến 200 năm nữa mới có thể chấm dứt tình trạng đói nghèo.

Ngày 15/1, thị trấn Davos (Thụy Sỹ) bắt đầu đón chào các nhà lãnh đạo toàn cầu tới tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với chủ đề "Xây dựng lại niềm tin". Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng, xung đột, nội dung của hội nghị lần này sẽ tập trung vào những vấn đề chính gồm: An ninh toàn cầu, tạo việc làm, chống biến đổi khí hậu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, WEF 2024 sẽ bị bao phủ bởi nỗi lo xung đột tại Trung Đông đang lan rộng, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có tín hiệu sẽ kết thúc. Đây là những "biến số" đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 khi những hậu quả của đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và lãi suất cao vẫn để lại không ít hệ lụy nặng nề cho nhiều khu vực trên thế giới.

Bên cạnh đó, bất bình đẳng thu nhập cũng là một trong những vấn đề đáng chú ý tại diễn đàn năm nay. Nhóm chống nghèo đói Oxfam cho biết, tổng tài sản của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng hơn gấp đôi lên 869 tỷ USD kể từ năm 2020, trong khi 5 tỷ người trở nên nghèo hơn.

Ông Amitabh Behar - Giám đốc điều hành Quốc tế của Oxfam cho biết: "Năm tập đoàn hàng đầu thế giới, họ được định giá cao hơn GDP của toàn bộ lục địa châu Phi, châu Mỹ Latin và vùng Caribe. Apple thực sự được định giá cao hơn GDP của Pháp. Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ có một người giàu sở hữu 1.000 tỷ USD nhưng lại mất đến 200 năm nữa mới có thể chấm dứt tình trạng đói nghèo".

Tài sản 5 người giàu nhất tăng hơn gấp đôi, trong khi 5 tỷ người trở nên nghèo hơn - Ảnh 1.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024 diễn ra tại thành phố Davos, Thụy Sĩ trong các ngày 15 - 19/1. (Ảnh: Reuters)

Hơn 100 quan chức cấp cao đại diện chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 công ty đối tác của WEF sẽ tham dự hội nghị (diễn ra từ ngày 15 - 19/1) cùng các chuyên gia và giới truyền thông. Một trong những sáng kiến đáng chú ý tại WEF 2024 là đề xuất thành lập Liên minh quản trị AI bao gồm những công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Meta Platforms.

Ông Brad Smith - Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft cho biết: "Chúng ta phải nhìn nhận một cách sáng suốt về cả triển vọng lẫn mối nguy hiểm của thế hệ Al và cùng nhau hợp tác để bảo đảm Al luôn phục vụ nhân loại".

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới là nơi các nhà lãnh đạo đưa ra những sáng kiến, biện pháp mang đến sự lạc quan cho triển vọng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, tại WEF Davos 2024, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh đóng góp trách nhiệm trong xử lý các thách thức toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực có thế mạnh như an ninh lương thực, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Hội nghị WEF Davos là cơ hội để Việt Nam lắng nghe nhịp đập của thế giới Hội nghị WEF Davos là cơ hội để Việt Nam lắng nghe nhịp đập của thế giới

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, chuyến công tác đầu tiên trong năm mới 2024 của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước