Với 3,62 triệu tấn, tổng lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng qua tăng khá cao so với cùng kỳ nhiều năm trước. Hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn của Thái Lan, Ấn Độ. Nguyên nhân một phần do nhu cầu thế giới tăng, nhưng quan trọng là do cơ cấu, chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện. Đây được xem là lợi thế để Việt Nam tận dụng triệt để trong thời gian tới.
Anh Thanh là xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Biên. Với 6 hecta sản xuất lúa ST25, mỗi năm anh thu về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
"Tham gia HTX được bao tiêu giá cả, giá ổn định. Nếu giá thị trường thấp thì mua theo giá bao tiêu", anh Trương Vĩnh Thanh, HTX Nông nghiệp Ngọc Biên, Trà Cú, Trà Vinh, cho biết.
Nhằm đáp ứng tỷ lệ trong cơ cấu gạo xuất khẩu, nhiều HTX, bà con nông dân đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới vào trong sản xuất. Một trong những yếu tố tiên quyết là liên kết.
Xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao hướng đến thị trường xuất khẩu là định hướng của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Huyền Ngọc Định An là giống lúa mới, được HTX Giống nông nghiệp Định An lai tạo thành công. Khi đưa ra thị trường, nhờ chất lượng tốt nên một doanh nghiệp mạnh dạn liên kết sản xuất, tiêu thụ trong thời hạn 5 năm. Nhiều đơn hàng đầu tiên đã xuất khẩu sang Châu Âu.
Có nguồn lúa gạo nguyên liệu chất lượng trong tay, HTX có thể thương lượng trở lại với doanh nghiệp.
Xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao hướng đến thị trường xuất khẩu là định hướng của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này không chỉ tăng khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, mà còn tận dụng lợi thế từ nhu cầu thị trường tăng cao, dần chiếm lĩnh các phân khúc cấp cao.
"Gắn với doanh nghiệp. Vì chúng ta muốn đi xa hơn phải có đầu tàu, có một doanh nghiệp lớn hỗ trợ HTX đi ra thị trường trong nước và ngoài nước", ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, cho biết.
Trà Vinh đang quy hoạch 1.000 ha lúa hữu cơ phục vụ thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu. Điều này phù hợp với một số mục tiêu tăng "chất" đối với gạo xuất khẩu đã được đưa ra. Chẳng hạn từ nay đến 2025, tỷ trọng gạo xuất khẩu có thương hiệu là 20% và gấp đôi trong giai đoạn 2026 - 2030; hay như tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài là 60%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!