Ngày 4/4/2017, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng đó là thành lập đặc khu kinh tế mới với tên gọi Tân khu Hùng An, nằm cách Bắc Kinh 100km về phía Tây Nam. Đặc khu kinh tế mới này có quy mô mở rộng lên tới 2.000 km2, tức gấp gần 3 lần diện tích thành phố New York, Mỹ.
Tân khu Hùng An sẽ đóng vai trò bổ trợ cho thủ đô, khi tất cả các hoạt động kinh tế cũng như các chức năng phi hành chính được di dời khỏi Bắc Kinh sang khu phía Nam. Trung Quốc tin tưởng, Tân khu Hùng An sẽ là thỏi nam châm với các công ty công nghệ cao và công ty khởi nghiệp.
Nhiều nhà phân tích ví von Tân khu Hùng An như một thung lũng Silicon mới tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bởi đặc khu này sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc theo hướng phát triển công nghệ cao.
Hiện đã có 48 dự án liên quan đến công nghệ xanh, dịch vụ tài chính, high-tech được đăng ký tại đây, trong đó có nhiều tên tuổi tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent, China Telecom… Ngoài ra, Chính phủ nhiều nước như Anh, Thụy Sỹ, Đức đã cũng đã cam kế hỗ trợ phát triển tân khu này.
Ông Charles Bowman - Tổng Thị trưởng thành phố London nói: "Trong chuyến thăm của Thủ tướng Theresa May tới Bắc Kinh hồi tháng 2, nước Anh thông qua một tập đoàn bất động sản danh tiếng đã ký biên bản ghi nhớ, trong đó có việc xây dựng Tân khu Hùng An thành một thành phố thông minh, một trung tâm sáng tạo và công nghệ tài chính Fintech của tương lai".
Hiện một số dự án cơ sở hạ tầng đang bắt đầu được khởi công tại Tân khu Hùng An. Mới nhất là dự án xây dựng tuyến tàu hỏa nối Bắc Kinh - Hùng An trị giá 5,3 tỷ USD vừa được thông qua, giảm thời gian di chuyển từ 120 phút xuống chỉ còn 30 phút. Song, dự kiến phải đến 2020, chuyến tàu đầu tiên mới chính thức lăn bánh.
Bên cạnh đó, việc tạo thuận lợi về cơ chế chính sách cũng là điều mà chính người trong cuộc cần tính đến khi muốn Hùng An là một Thâm Quyến thứ hai.
"Dịch vụ công gồm chính sách, tính hiệu quả của bộ máy công quyền, tư duy người dân và đặc biệt là cơ chế kinh tế thị trường... là những điều Thâm Quyến đã làm rất tốt khi muốn kêu gọi nhà đầu tư mở túi tiền" - ông Wang Jinying - Hiệu trưởng Trường Kinh tế Hà Bắc nói.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho hay, những dự án phát triển hạ tầng như ở Tân khu Hùng An sẽ không phải là ưu tiên của tổ chức này thời gian tới khi theo tính toán, đặc khu kinh tế mới cần khoảng 300 tỷ USD để phát triện hạ tầng. Đây sẽ là một bài toán hóc búa với Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng giảm tốc và những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!