Tăng chế biến sâu - nâng giá trị cho ngành hàng sen

Tấn Hưng-Chủ nhật, ngày 10/09/2023 18:27 GMT+7

VTV.vn - Nếu tìm được hướng đi đúng, khai thác hài hòa và đa dạng lĩnh vực thì ngành hàng sen Đồng Tháp sẽ còn vươn xa hơn trong tương lai.

Thay đổi tư duy canh tác trên vùng sen Đồng Tháp

Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều vùng trồng sen trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bị thiệt hại vì bệnh thối ngó sen, cao điểm là trong 2 năm 2021 và 2022. Đến nay, dù các vùng trồng sen đã dần hồi phục, nhưng chuỗi liên kết bền vững cho ngành hàng này vẫn chưa thực hiện được.

Tại huyện Tháp Mười, nông dân và ngành chức năng đang mở ra hy vọng khôi phục và phát triển bền vững cho một trong những vùng trồng sen lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, bằng phương pháp canh tác mới.

Sau 4 vụ trồng sen liên tục, nhận thấy bệnh thối ngó bắt đầu tấn công, năm nay ông Của (xã Mỹ Đông, Tháp Mười, Đồng Tháp) quyết định chuyển 16 hecta ruộng nhà sang canh tác lúa, có nghĩa từ thâm canh sen, sắp tới đây sẽ là xen canh lúa - sen.

Tăng chế biến sâu - nâng giá trị cho ngành hàng sen - Ảnh 1.

(Ảnh: VOV)

"Trồng sen hoài sợ nó bị vi khuẩn, nên xen canh sen, lúa, sen, lúa. Quyết tâm trồng lại 1 năm nữa xem sao, nếu sen đạt là mình lời hơn lúa nhiều", ông Nguyễn Văn Của, xã Mỹ Đông, Tháp Mười, Đồng Tháp chia sẻ.

Tại xã Hưng Thạnh, 14 hecta đang thực hiện mô hình điểm trồng sen hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0. Tham gia mô hình này, nông làm đất, rải vôi, sử dụng phân hữu cơ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Hiện sen đã hơn 1 tháng tuổi, nhiều tín hiệu tích cực có thể nhìn thấy từ bên ngoài.

Chi phí đầu tư có thể tăng thêm 20%, nhưng bà con trồng sen Đồng Tháp vẫn chấp nhận. Bởi họ biết rằng đó là xu hướng phù hợp với việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Có thể nói, dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho bà con trồng sen tại huyện Tháp Mười, tuy nhiên cũng có thể xem đây là cơ hội để nông dân mạnh dạng chuyển đổi phương pháp canh tác, áp dụng những giải pháp mới vào sản xuất, hướng đến mục tiêu xa hơn là phát triển bền vững cho cây sen và cả ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp.

Sen Đồng Tháp đặt mục tiêu 3.000 ha vào năm 2025

Sự thay đổi nhận thức của bà con nông dân chính là yếu tố quan trọng để Đồng Tháp có những kế hoạch dài hơi nhằm phát triển ngành hàng sen theo hướng bền vững.

Với nhu cầu thị trường và sự đầu tư của các doanh nghiệp chế biến, Đồng Tháp đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích trồng sen khoảng 3.000 hecta, sản lượng từ 2.500 - 3.000 tấn hạt/năm. Giá trị các sản phẩm từ cây sen ước đạt 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Để đạt mục tiêu này, địa phương sẽ phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, ngành hàng sen Đồng Tháp có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao và nhiều sản phẩm chế biến tiềm năng khác.

Tăng chế biến sâu cho ngành hàng sen

Đồng Tháp là địa phương được đánh giá là khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho cây sen. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung phát triển mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp. Bởi khi có vùng nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp sẽ tự tin phát triển thêm nhiều sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị cho ngành hàng sen.

Dây chuyền nước uống đóng lon là bước tiến của Công ty TNHH Khánh Thu, Đồng Tháp. Những sản phẩm ban đầu là trà lá sen cắt nhỏ, sau đó là trà túi lọc, trà hòa tan và đến hiện tại là nước đóng lon tiện dụng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ưu thế từ cây sen đã giúp doanh nghiệp trụ vững.

"Đưa sản phẩm từ sen ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận rất nồng nhiệt, vì đây là những sản phẩm rất có lợi cho sức khỏe, thứ hai là hiếm có sản phẩm trùng lặp trên thị trường", anh Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Thu, Đồng Tháp, cho biết.

Cũng là hạt sen, nếu sấy giòn chỉ bán được 350.000 đồng/kg, nhưng nếu nghiên cứu và cho ra các dòng cao cấp hơn như tẩm phô mai, hoặc trứng muối thì giá bán tăng gần gấp đôi.

Tăng chế biến sâu - nâng giá trị cho ngành hàng sen - Ảnh 2.

Thu hoạch gương sen ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). (Ảnh: TTXVN)

Đồng Tháp có khoảng 200 sản phẩm chế biến từ sen, nhưng chỉ mới 1/10 trong số đó đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Để cải thiện con số này, ngành hàng đang đặt hàng giải pháp từ các chuyên gia.

"Ứng dụng lá sen, hoa sen vào lĩnh vực thời trang, hoặc tơ sen, làm than hoạt tính từ thân sen", ông Ngô Chí Công, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp, cho hay.

"Đi từ riêng lẻ là chúng ta bán giá cả, còn kết hợp là bán giá trị, từ những công đoạn trong chuỗi ngành hàng gắn kết chặt chẽ với nhau, như vậy sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn", ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp cũng đang thực hiện đề án về chỉ dẫn địa lý "Sen Đồng Tháp", góp phần quan trọng để xây dựng thương hiệu cho cây sen. Không chỉ có giá trị về kinh tế, cây sen còn gắn liền với lịch sử và văn hóa bản địa. Nếu tìm được hướng đi đúng, khai thác hài hòa và đa dạng lĩnh vực thì ngành hàng sen Đồng Tháp sẽ còn vươn xa hơn trong tương lai.

Ngành rau quả liên tiếp lập kỷ lục xuất khẩu Ngành rau quả liên tiếp lập kỷ lục xuất khẩu

VTV.vn - Với mức tăng gần 56% so với năm ngoái, ngành rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước