Tăng cung, kéo vàng "trở lại mặt đất"?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 13/04/2024 08:26 GMT+7

VTV.vn - Để tăng cung vàng SJC, nhập thêm bao nhiêu vàng nguyên liệu, sản xuất thêm bao nhiêu vàng miếng là bài toán Ngân hàng Nhà nước cần tính rất kỹ.

Đưa giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo một số Bộ, cơ quan; Hiệp hội Kinh doanh vàng; một số ngân hàng thương mại có kinh doanh vàng. Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo một số nội dung quan trọng.

Trong đó, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước, với các công cụ điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Trên thị trường, có lúc khoảng cách giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế lên đến 18 triệu đồng/lượng. Song, hiện nay, tính đến đầu tháng 4, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, mức chênh lệch này đã giảm chỉ còn 9,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao và cần tiếp tục thu hẹp.

Chia sẻ với phóng viên VTV, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng nguồn cung vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng. Từ đầu năm tới nay, giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng hơn 16,1%. Trong khi đó, giá vàng trong nước đã tăng hơn 11,1%, do ảnh hưởng từ xu thế giá thế giới. Sau chỉ đạo đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới ngay và luôn của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ có các giải pháp ổn định thị trường vàng.

"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại thông báo kết luận số 160 ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp sau: Thứ nhất với thị trường vàng miếng sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và giá quốc tế; Thứ hai với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, sẽ tiếp tục đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ. Thực hiện ngay các công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra giám sát theo chức năng quyền hạn được giap. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, các hành vi đầu cơ, trục lợi, thao túng giá vàng", ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Tăng cung, kéo vàng trở lại mặt đất? - Ảnh 1.

Để tăng cung vàng SJC, nhập thêm bao nhiêu vàng nguyên liệu, sản xuất thêm bao nhiêu vàng miếng là bài toán Ngân hàng Nhà nước cần tính rất kỹ. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, giải pháp để cung cầu gặp nhau là giải pháp căn cơ nhất.

Theo ông Lâm Minh Chánh - Chuyên gia tài chính - Chủ tịch học viện BizUni: "Dân thì đông ra, kinh tế ngày càng phát triển, sẽ có một lượng họ có nhu cầu lớn về vàng miếng SJC. Lượng cung SJC nó bị ngừng ở đó thì giá sẽ lên. Nó lên như vậy sẽ chênh lệch với vàng nhẫn SJC, vàng của các thương hiệu khác, như vậy không nên. Chúng ta phải làm cho cung cầu gập nhau, phải tăng thêm lượng vàng miếng SJC trên thị trường".

Từ khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực thì suốt 10 năm qua, không có thêm vàng nguyên liệu được nhập về, cũng như không có bất kỳ lượng vàng SJC nào được dập mới được đưa ra thị trường. Để tăng cung vàng SJC, nhập thêm bao nhiêu vàng nguyên liệu, sản xuất thêm bao nhiêu vàng miếng là bài toán Ngân hàng Nhà nước cần tính rất kỹ.

PGS TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta nhập bao nhiêu để không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá thì được. Chẳng hạn chúng ra nhập khoảng 10% so với thặng dư cán cân thanh toán thì theo tôi là phù hợp và không ảnh hưởng quá nhiều tới tỷ giá".

Bài toán nhập bao nhiêu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng miếng để không ảnh hưởng tới tỷ giá, không ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối là điều Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán kỹ và xác định mục tiêu ưu tiên của từng thời điểm. Bên cạnh đó, cũng cần điều hành linh hoạt thay vì ngưng trong một thời gian dài, rồi lại đột ngột nhập lượng lớn vàng nguyên liệu.

Thực hiện nghiêm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng

Suốt hơn 10 năm qua, hoạt động kinh doanh vàng được quản lý theo Nghị định 24. Nghị định này đã có đầy đủ quy định để quản lý thị trường vàng và cũng phát huy được vai trò chống vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, công cụ đã có vẫn cần quản lý tốt để tránh tình trạng giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch quá cao như vừa qua.

Một số nhà đầu tư đang bị hiểu lầm rằng chính sách từ Nghị định 24 làm cho vàng trong nước tăng giá. Điều này không đúng vì có 2 nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng: Một là do giá thế giới tăng và hai là do sự kỳ vọng của nhà đầu tư quá lớn đẩy nhu cầu tăng.

Do đó, tại Thông báo 160, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả; đảm bảo hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá vàng…

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung; đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Ngay sau thông báo này được đưa ra, phóng viên VTV đã ghi nhận được các ý kiến của nhiều thành viên thị trường, trong đó có cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đồng tình với những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng đưa ra một số đề xuất.

"Thông báo mới này, đặc biệt Thủ tướng có nhắc đến là sử dụng các công cụ có sẵn đặc biệt Nghị định 24 để cân bằng thị trường. Tôi nghĩ để tiếp tục kéo hẹp khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước, đặc biệt trong giai đoạn giá vàng thế giới đang rất biến động như hiện nay đó là gia tăng nguồn cung cho thị trường để đáp ứng được nhu cầu của người dân, qua đó sẽ thu hẹp được", ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải đề xuất.

Ông Mai Duy Tuần - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn vàng bạc Phú Quý cho biết: "Nghị định 24 tôi nghĩ vẫn có những cái phù hợp và tất nhiên có những thứ chưa phù hợp thì trong thời gian tới tôi tin rằng Chính phủ sẽ đưa ra được các giải pháp để làm sao cho Nghị định 24 trở nên phù hợp hơn nữa, để cho hoạt động kinh doanh vàng được ổn định, tốt hơn".

Ông Lâm Minh Chánh - Chuyên gia tài chính - Chủ tịch học viện BizUni nhận định: "Giữ Nghị định 24 chúng ta vẫn phải giữ nhưng cần phải vận dụng, chẳng hạn như việc nhập vàng, dập thêm vàng miếng SJC thì Ngân hàng Nhà nước phải chủ động, linh hoạt hơn, để tăng cung lên, nếu không giá vàng Việt Nam quá chênh với giá vàng thế giới".

Thực hiện nghiêm túc hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng

Để ổn định thị trường vàng, bên cạnh việc tăng nguồn cung, một giải pháp khác cũng được đề cập đến là sử dụng hóa đơn điện tử. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Thông báo 160. Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả giám sát, điều hành. Thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Tăng cung, kéo vàng trở lại mặt đất? - Ảnh 2.

Giao dịch tại một cửa hàng vàng.

Chia sẻ với phóng viên VTV, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua bán, vàng. Còn đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Từ cuối tháng 12/2022, ngành thuế đã chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho các ngành có tần suất phát hành hóa đơn lớn như: Trung tâm thương mại, siêu thị, dược phẩm, kinh doanh vàng bạc… Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay đã có 4.500 cơ sở kinh doanh vàng, bạc thực hiện hóa đơn điện tử, với trên 600.000 hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã được sử dụng.

Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh lĩnh vực vàng, bạc, đá quý để đưa vào diện sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Qua đó góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, họ cho biết đã chấp hành nghiêm quy định về xuất hóa đơn điện tử, để làm minh bạch thị trường vàng.

Ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải cho biết: "Hóa đơn điện tử trong tất cả các giao dịch vàng thì về phía doanh nghiệp thì chúng tôi rất hoan nghênh việc làm minh bạch hóa thị trường. Việc này đã được doanh nghiệp chúng tôi thực hiện thời gian vừa qua".

Việc thực hiện nghiêm xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng cũng sẽ giúp hạn chế được các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới, các hành vi trục lợi đầu cơ tháo túng giá vàng để đảm bảo thị trường ổn định, minh bạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các Nghị quyết, công điện của Thủ tướng Chính phủ gần đây, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

kinh doanh vàng

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước